
Doanh nghiệp chế biến nông sản tại Bình Tân rất ít
Kinh tế nông nghiệp của huyện Bình Tân chiếm gần 60% trong tổng cơ cấu toàn ngành, cùng với ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bình quân mỗi năm huyện Bình Tân còn sản xuất trên 24.000ha màu các loại và trên 3.500ha vườn cây trái. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với chăn nuôi, chỉ có trại chăn nuôi heo Thành Tín ở xã Thành Trung, 02 trại nuôi gà ở xã Mỹ Thuận và Nguyễn Văn Thảnh và các ao nuôi cá ven sông Hậu là đầu ra ổn định. Còn đối với các sản phẩm trồng trọt, chủ lực là khoai lang thì đa số các HTX tại các địa phương trên địa bàn huyện do phạm vi hoạt động hạn hẹp, vốn điều lệ thấp nên mỗi HTX chỉ thu mua của xã viên mỗi năm từ 500 – 700 tấn; riêng công ty thu mua dùng để chế biến và xuất khẩu cũng chỉ thu mua mỗi ngày khoảng 50 tấn, phần còn lại chủ yếu được người dân bán thông qua các thương lái truyền thống. Nếu tính trong tổng sản lượng thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp cả năm của huyện thì số lượng được ký hợp đồng thu mua và bao tiêu chỉ chiếm 1 phần nhỏ, còn lại chủ yếu được người dân tự thương lượng và bán cho thương lái mà không có hợp đồng chắc chắn. Điều này gây khó khăn cho người dân vì giá cả không ổn định kéo theo thu nhập cũng bấp bênh.
Ở một khía cạnh khác, hiện toàn huyện Bình Tân đã xây dựng được trên 10 HTX nông nghiệp nhưng đa số các HTX này đều hoạt động đạt hiệu quả như kỳ vọng của địa phương và nông dân. Qua thực tế, các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của huyện còn rất ít, quy mô nhỏ. Việc liên kết giữa các tổ chức, cá nhân còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng. Công tác bảo hộ nhãn hiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm vẫn chưa được đẩy mạnh, gây khó khăn trong xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Tiêu thụ nông sản vẫn phải qua nhiều khâu trung gian, nên giá bán đến tay người tiêu dùng cao hơn rất nhiều so với giá thu mua tại các cơ sở sản xuất. Giá cả nông sản không ổn định, tình trạng "Được mùa mất giá" hay "Được giá mất mùa" thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là do trình độ sản xuất của người dân còn thấp, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; các vùng sản xuất phân tán, quy mô chưa lớn; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa thu hút doanh nghiệp, cũng như đa số người dân chưa chú trọng đến việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm nên không đáp ứng được nhu cầu các thị trường xuất khẩu khó tính, khiến đầu ra bị hạn hẹp ……
Từ thực tiễn sản xuất qua các năm có thể nói, liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản là xu thế phát triển tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Vì thế, huyện Bình Tân cần tiếp tục chỉ đạo các ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chuyên canh. Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bảo đảm phát triển bền vững, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với lĩnh vực có thế mạnh như: trồng màu, cây ăn trái và chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Tiếp tục mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Hỗ trợ nông dân, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, chứng nhận chất lượng nông sản......

Trong chuỗi liên kết nông sản an toàn hiện nay, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, quyết định tới sự thành công của chuỗi. Tuy nhiên hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang ngại đầu tư vào lĩnh vực này vì hiệu quả không cao, tính rủi ro lớn do phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, tính chất mùa vụ của sản phẩm, chi phí lớn, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm. Với thực tế hiện nay thì mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – HTX – hộ nông dân vẫn được xem là ưu việt nhất trong việc tổ chức sản xuất – chế biến – tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, bởi quá trình sản xuất được cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao, tiên tiến, công tác bảo quản, sơ chế được quan tâm, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.
Xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong những năng gần đây, các Sở ngành chuyên môn của tỉnh Vĩnh Long đã tích cực hỗ trợ huyện Bình Tân xây dựng và quảng bá cho thương hiệu nông sản của địa phương, đặc biệt là khoai lang tím Nhật Bình Tân đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Khoai lang Bình Tân - Binh Tan Sweet Potatoes", cũng như kết nối với Tập đoàn Việt Phúc đến tìm hiểu vùng khoai lang Bình Tân và ký bản ghi nhớ thu mua khoai lang với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cùng các HTX, tổ hợp tác sản xuất khoai lang trong huyện. Đây được xem là bước đi phù hợp giúp nông sản của huyện Bình Tân ngày càng có đầu ra ổn định, hướng đến quá trình xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng bền vững.
Trung Thành