Hỗ trợ sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19
Để đảm bảo tình hình sản xuất nông nghiệp từ tháng 8 đến cuối năm 2021, phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định 4050/QĐ-UBND, ngày 18/8/2021, phê duyệt Kế hoạch sản xuất nông nghiệp huyện Tam Bình đến cuối năm 2021. Trong đó đánh giá tình hình sản xuất các loại nông sản chính tại địa phương (chủng loại, sản lượng đang thu hoạch, dự kiến thu hoạch từng tháng đến hết năm 2021); có phương án cụ thể, phù hợp đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản đảm bảo tiêu thụ và thúc đẩy sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản; đảm bảo hoạt động giết mổ và thu hoạch nông sản không bị gián đoạn do dịch bệnh. Các địa phương căn cứ kế hoạch của huyện, xây dựng kế hoạch cụ thể hóa của địa phương, triển khai kế hoạch và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.

Ảnh: nông dân trên địa bàn huyện chăm sóc tốt lúa Thu đông trong điều kiện ảnh hưởng dịch Covid-19
Về sản xuất lúa vụ Thu Đông 2021 huyện Tam Bình xuống giống dứt điểm 12.602,1 ha. Ngành chuyên môn tăng cường công tác dự tính dự báo, thông báo tình hình dịch hại trên cây lúa và biện pháp phòng trừ để sản xuất đạt hiệu quả, hiện nay trà lúa phát triển tốt.
Sản xuất rau màu, tính riêng từ 15/8-15/9/2021, nông dân trên địa bàn huyện xuống giống màu diện tích 521,4 ha, lũy kế 5.932,1 ha, đạt 89,9% so kế hoạch, trong đó màu ruộng 215,8 ha, lũy kế 2.525,1 ha, đạt 88,6% so kế hoạch; màu vườn 305,4 ha, lũy kế 3.407 ha, đạt 90,1% so kế hoạch. Huyện duy trì những vùng sản xuất màu tập trung như xã Ngãi Tứ, Bình Ninh, Loan Mỹ….., tiếp tục phát triển những nơi có điều kiện, tăng diện tích rau màu chuyên canh xã Ngãi Tứ: 203,3 ha, Long Phú 47 ha. Đối với diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả vận động nhân dân chuyển sang trồng màu, tận dụng vườn trống, bờ mẫu trồng màu xen. Tham mưu thành lập Tổ thu mua nông sản huyện Tam Bình ở Hợp tác xã màu Tân Thạnh (Long Phú) và HTX rau màu Ngãi Tứ, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản
Tăng cường hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông nông sản:
Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tham mưu UBND huyện thành lập Tổ hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản trong tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn huyện Tam Bình và các xã, thị trấn. Thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp ở địa phương; Thành lập tổ thu mua nông sản với 15 thành viên của các Hợp tác xã thu mua cam sành và rau màu trên địa bàn huyện; tổng hợp tình hình tiêu thụ nông sản hàng ngày báo cáo sở Nông nghiệp và PTNT để hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Phối hợp sở Nông nghiệp và PTNT đưa nông sản không tiêu thụ được lên sàn giao dịch nông sản trực tuyến tỉnh Vĩnh Long để liên kết tiêu thụ.
Kết quả ngành Nông nghiệp trực tiếp hỗ trợ tiêu thụ hơn 15 tấn nông sản của nông dân: đu đủ, cam xoàn, chanh, … Phối hợp với các ngành, địa phương liên kết tổ đi chợ, tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Ảnh: các Hợp tác xã tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân trong điều kiện ảnh hưởng dịch Covid-19
Theo thống kê ngành chuyên môn, lượng tiêu thụ nông sản hàng ngày gồm rau củ quả tại chợ đầu mối Ngãi tứ từ 110 – 120 tấn/ngày; Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở Ngãi Tứ, Long Phú mỗi HTX tiêu thụ 5 – 8 tấn/ngày. Đối với cam sành mỗi ngày tiêu thụ từ 100- 110 tấn/ngày (HTX cam sành Khánh Nhân: 30-40 tấn/ngày; Vựa cam 3 Tùng, 8 Thương: khoảng 30 tấn/ngày; vựa Kim Tư: khoảng 10 tấn/ngày; các Vựa khác 3- 10 tấn /ngày. Nhìn chung đối với cam sành sản lượng nông sản trên địa bàn tiêu thụ khá ổn định, giá cả duy trì ở mức cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hàng trái cây thương lái thu mua rất ít nên khó tiêu thụ như: Nhãn Idor (23 tấn); bưởi năm roi (12 tấn); dâu hạ châu (20 tấn); cam xoàn (14 tấn); bưởi da xanh (7,2 tấn). Các loại nông sản này phòng Nông nghiệp đã thống kê và gửi về Sở Nông nghiệp đưa lên sàn giao dịch hỗ trợ tìm đầu ra.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tăng cường phối hợp với các địa phương và ngành liên quan tăng cường hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, nông dân cần chủ động liên kết tiêu thụ qua mạng xã hội, kênh tiêu thụ hiện đại (sàn giao dịch nông sản) để tiêu thụ kịp thời với giá có lợi cho nông dân./.
P.S