
Kết quả thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp - lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn 2013-2020.
Cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi được thực hiện theo hướng nâng cao hiệu quả, gia tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi và chất lượng giống; phát triển chăn nuôi tập trung quy mô trang trại; tổ chức lại vùng nuôi, xây dựng tổ chức chuỗi liên kết khép kín theo hướng an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị trong chăn nuôi.
+ Tổng đàn heo tăng liên tục từ 2013-2016 và đạt cao nhất vào năm 2018 (374.662 con). Tuy nhiên, đàn heo giảm mạnh trong năm 2019 do dịch bệnh tả heo châu Phi và dần hồi phục trong năm 2020, đầu năm 2021.
+ Tổng đàn bò ổn định ở mức 90.000-94.000 con (trong đó cao nhất là năm 2017 với tổng đàn 94.473), tuy nhiên đến tháng 6 năm 2021 đàn bò giảm nhẹ và duy trì ở mức 85.684 con. Đàn bò hiện nay được phát triển theo hướng lai tạo với các giống bò ngoại chuyên thịt, nhiều hộ gia đình tiếp tục nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. Chăn nuôi bò với quy mô trang trại cho giá trị kinh tế cao ngày càng phổ biến trong khi hộ nuôi nhỏ lẻ ngày bị thu hẹp do không có đồng cỏ tự nhiên để chăn thả, vốn đầu tư hạn chế do giá con giống cao và chi phí đầu tư chuồng trại, diện tích đất trông cỏ khá lớn,… Tổng đàn bò tuy có giảm so với vài năm trước đây nhưng số lượng trang trại tăng đáng kể, tỉnh hiện có 197 trang trại chăn nuôi bò (tăng 49% so năm 2018) với số lượng 2.919 con. Các trang trại đều được đầu tư xây dựng hạ tầng và hệ thống xử lý chất thải khá tốt, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh phòng bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi. Con giống được lai tạo từ các giống bò ngoại, siêu thịt, chất lượng cao như BBB, Red Angus, Charolais, Droughmaster,… Bên cạnh đó, tổng đàn gia cầm có sự tăng tưởng từ 6,3 triệu con năm 2013 lên gần 9,8 triệu con năm 2021. Số lượng trang trại tăng từ 72 trang trại năm 2013 lên 322 trang trại vào tháng 6 năm 2021.
Cơ cấu vật nuôi tương đối phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh và vùng lân cận. Trong giai đoạn 2016-2020 tổng đàn heo và gia cầm của tỉnh thường xuyên đứng hàng đầu so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Từ năm 2016, tỉnh tập trung cho 02 sản phẩm chủ lực là heo và bò. Thông qua các chương trình, dự án đầu tư về giống và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, số lượng và chất lượng đàn con giống của tỉnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất trong và ngoài tỉnh, từng bước tạo được niềm tin người tiêu dùng và cạnh tranh về chất lượng so với các sản phẩm cùng loại được nhập khẩu.
Về phương thức tổ chức sản xuất, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dần chuyển sang chăn nuôi quy mô trang trại, đang áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật như sử dụng máng ăn, máng uống tự động, công nghệ chăn nuôi khép kín (chuồng lạnh), một số trang trại có áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát chuồng nuôi. Hiện có 90 trang trại chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết, trong đó 07 trang trại nuôi heo/15.600 con, 83 trang trại gà/2.620.200 con; đây có thể xem là một trong những điểm sáng trong phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi heo, gà.
Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng trang trại, quy mô lớn
Tiếp tục bám sát mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung đẩy mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, tăng cường liên kết trong hoạt động chăn nuôi, cụ thể:
Thứ nhất, triển khai rà soát, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 07/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Qua đó tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển chăn nuôi đặc biệt chăn nuôi trang trại quy mô lớn, mở rộng và tăng cường liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi, tạo đầu ra ổn định, người chăn nuôi an tâm đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất.
Thứ hai, rà soát, hoàn thiện quy hoạch và kế hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp nội dung và mục tiêu tái cơ cấu, bảo đảm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội và môi trường. Vận động phát triển các trang trại với quy mô vừa và lớn; từng bước chuyển đổi, giảm dần các cơ sở chăn nuôi nông hộ; có chính sách khuyến khích, phát triển chăn nuôi trang trại. Đa dạng các hình thức và phương thức tín dụng theo hướng tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân đầu tư chăn nuôi, giết mổ, chế biến dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.
Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi mục đích, chỉnh lý biến động sử dụng đất nhằm sử dụng linh hoạt đất trồng lúa; chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nhằm tạo hiệu quả tối đa trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân đầu tư, mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình chăn nuôi, xử lý chất thải với công nghệ tiên tiến sẽ giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, khắc phục những hạn chế từ các hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng hiệu quả chăn nuôi và sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Thứ tư, phát triển kinh tế hợp tác và thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, phát huy vai trò của hợp tác xã, kinh tế trang trại, xây dựng chuỗi liên kết trong hoạt động chăn nuôi, xúc tiến quảng bá thương hiệu, cung ứng cho tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, đảm bảo an toàn thực phẩm tạo sự phát triển ổn định và bền vững. Vận động nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất với các hình thức phù hợp và hướng tới phát triển các trang trại có quy mô lớn.
Thứ năm, khuyến khích và hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để đảm bảo chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa các bên, tránh rủi ro, đồng thời còn giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và cân đối cung cầu các sản phẩm chăn nuôi. Liên kết chuỗi sẽ tránh được trường hợp sản phẩm chăn nuôi mất giá, tạo ra nguồn cung ứng thịt đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng mà còn đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi. Trong đó, doanh nghiệp đảm bảo vai trò chủ đạo từ nguồn thức ăn, con giống tốt, kỹ thuật chăn nuôi trang trại đáp ứng được những yêu cầu về môi trường, hỗ trợ người chăn nuôi về kỹ thuật và ra cho sản phẩm./.
Nguồn: Bản tin NNNT