Những mô hình kinh tế, hiệu quả cần phát huy tác dụng
Có thể dễ dàng nhận ra rất nhiều mô hình ăn nên làm ra từ việc mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu, đầu ra thị trường sản phẩm, xu thế phát triển hiện đại trong cách nghĩ, cách làm của nông dân Vĩnh Long hôm nay đã và đang mang lại nhiều tín hiệu lạc quan.
Đơn cử một số mô hình đang được nhiều người học tập làm theo như: nuôi lươn không bùn của nông dân Lê Minh Hiếu (Huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho nguồn lãi mỗi năm trên 05 tỷ đồng; Mô hình ươn và bán cá bống tượng giống của lão nông Ngô Hữu Phước ( Huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) mang về cho ông trên 03 tỷ đồng mỗi năm hay cách làm chăn nuôi hỗn hợp gồm: lươn - bò - ếch của nông dân Lương Trung Nghĩa (Huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đã giúp ông có nguồn lãi gần 01 tỷ đồng mỗi năm,vv…
Nhiều nông dân còn linh động khi áp dụng biện pháp trồng xen canh vừa để “ lấy ngắn nuôi dài” vừa để đối phó với tình trạng “khan hàng, dôi chợ” dẫn đến trúng mùa rớt giá hay thất mùa trúng giá. Cụ thể như mô hình trồng Mãng Cầu (Na) Đài Loan – Mít Thái - Thanh Nhãn của nông dân xã An Bình (Huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long); Mô hình trồng Xoài cát – đu đủ - chuối cau của nông dân xã Phú Thành (Huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long),vv…
Điều đáng mừng là người nông dân bây giờ rất nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của thương trường kết hợp với việc áp dụng triệt để những giải pháp khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi rất bài bản, hiệu quả. Cùng với đó, họ thường có những bước thâm nhập, tiếp cận với rất nhiều nguồn thông tin bổ ích, tin cậy, cùng với sự tư vấn, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, tất cả là cơ sở để ngày càng có nhiều mô hình mới, cách làm hay cần được nhân rộng. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều mô hình ăn nên làm ra từ những người nông dân dám nghĩ, dám làm, luôn năng động, sáng tạo, khám phá, dấn thân, tìm tòi cái mới, cái lạ để làm giàu cho bản thân và cộng đồng rất đáng trân trọng. Trong đó có cả những nông dân đã từng phải nếm trải nhiều lần thất bại khi đầu tư. Tuy nhiên họ đã không chùn bước trước những khó khăn đó.
Cần lắm sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhiều ngành chức năng
Nhà nước và các ngành chuyên môn cần có những chính sách hỗ trợ bằng nhiều cách để nông dân nhanh chóng tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn nguồn vốn ưu đãi để mở rộng và phát triển sản xuất. Cùng với đó là cần tư vấn rộng rãi và thường xuyên hơn với nông dân từ các mô hình kinh tế, giúp nhiều nông dân tránh phải tự thân đi tìm nguồn vốn và các giải pháp khoa học kỹ thuật. Đồng thời, cần thay đổi tình trạng nhà nước khuyến khích thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi mới nhưng vẫn chậm triển khai các dự án, mô hình trên và thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Cụ thể là mô hình khuyến khích nông dân trồng cây mắc ca, ca cao, đào lộn hột ( cây điều), tiêu, xoài Đài Loan... tại một số địa phương đang trong tình trạng “vỡ trận”. Và cũng chẳng có gì khó hiểu khi cả nước cứ liên tục kêu gọi “giải cứu” nông sản các loại và rồi điệp khúc nầy cứ tái diễn bởi không có lối ra vững chắc.
Nhiều nông dân rất tâm huyết khi nêu ý kiến đồng tình cao với chủ trương sản xuất nông nghiệp bằng phương pháp VietGap hay GlobalGap vì để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế thu được của nông dân bởi làm theo cách này chưa được như ý. Việc khó tiêu thụ và sản lượng không cao hơn các phương pháp canh tác truyền thống thì nông dân cũng cảm thấy ngán ngại khi bỏ công sức ra đầu tư theo các phương pháp đó.
Để thay đổi triệt để tư duy ngán ngại của nông dân, các nhà chuyên môn và lãnh đạo cần huy động sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa các sở ngành, địa phương và đơn vị có liên quan. Bởi muốn có mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững, nông dân không chỉ cần được hỗ trợ tập huấn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà cần được kết nối với doanh nghiệp chế biến và nhà tiêu thụ để đảm bảo đầu ra sản phẩm, cũng như cần có đường giao thông thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa,vv… Bên cạnh đó, mô hình sản xuất nông nghiệp có đầu ra có tốt thì mới bền vững và thu hút nông dân tham gia hơn./.
Nguồn: Bản tin NNNT