
Đi đôi với mở rộng vùng nuôi thủy sản tập trung, Vĩnh Long chú trọng phòng chống dịch bệnh để nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững.
Hoạt động nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt là một trong những thế mạnh của tỉnh ta với diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, đến tháng 10-2021, toàn tỉnh có 2.095ha mặt nước đang nuôi thả thủy sản. Bên cạnh nuôi thủy sản trong các ao, hầm có diện tích nuôi cá tra 465ha, tỉnh còn có 1.717 chiếc lồng bè nuôi cá trên sông Tiền, sông Cổ Chiên. Sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 128.500 tấn và ước khoảng 130.200 tấn năm 2021. Theo các chuyên gia, Vĩnh Long có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên để đảm bảo nghề nuôi ổn định và phát triển bền vững cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là phòng chống dịch bệnh. Những năm gần đây, nghề nuôi thủy sản (nhất là nuôi cá tra) ở Vĩnh Long không những gặp nhiều khó khăn về đầu ra do thị trường xuất khẩu mà môi trường nuôi, nhất là tại các vùng nuôi tập trung (vùng nuôi cá tra xuất khẩu và vùng nuôi lồng, bè) đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bọc phát.
Có thời điểm, tại các vùng nuôi tập trung ghi nhận tồn dư của các chất hữu cơ từ thức ăn; một số ao nuôi, lồng bè chưa quan tâm xử lý, thu gom chất thải, bùn đáy ao mà trực tiếp thải ra môi trường. Điều này đã tác động tiêu cực đến nguồn nước mặt và là yếu tố thuận lợi cho các mầm bệnh gây hại phát sinh và lây lan.
Từ những lý do đó, ngày 17/10/2021, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 2821/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch triển khai đến tận các cơ sở nuôi thủy sản thực hiện và yêu cầu UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch phòng, chống cụ thể tại địa bàn quản lý.
Triển khai kế hoạch này, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đạt mục tiêu: khống chế các bệnh ở cá tra nuôi, bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 8% tổng diện tích nuôi và chủ động giám sát phát hiện, khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi khác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cùng các đơn vị thuộc Sở căn cứ nội dung của Quyết định 2821/QĐ-UBND và kế hoạch của các huyện, thị xã, thành phố để tham mưu thực hiện đạt hiệu quả cao.
Theo đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về hoạt động nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh thủy sản đến các tổ chức, hộ sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực này nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản đặc biệt là ở cấp cơ sở để hoạt động quản lý dịch bệnh thủy sản được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở ATDB với các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên cá tra nuôi (như bệnh gan thận mủ và bệnh xuất huyết) và một số bệnh theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu, trong đó xây dựng ít nhất 1 cơ sở/vùng sản xuất thủy sản, đặc biệt là cá tra ATDB đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT ngày 02/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh thủy sản nuôi lồng bè; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi chủ động xây dựng và áp dụng các quy trình nuôi theo hướng VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP và các tiêu chuẩn theo quy định của nước nhập khẩu.
Song song công tác tuyên truyền, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản theo hình thức đồng bộ để hỗ trợ cho các cơ sở, hộ dân đầu tư nuôi thủy sản đạt hiệu quả.
Ngoài ra, để bảo vệ môi trường vùng nuôi cũng như đảm bảo cho nghề nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững, từ lợi thế và tiềm năng sẳn có, định hướng tới tỉnh Vĩnh Long tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành thủy sản, nhân rộng các mô hình nuôi có hiệu quả, đa dạng hóa đối tượng nuôi, trong đó có các đối tượng thủy đặc sản trong mương vườn, ruộng lúa.
Bên cạnh tập trung phát triển các loại thủy sản chủ lực là cá tra và cá nuôi lồng bè, tỉnh sẽ khuyến khích các hộ nuôi thủy sản chuyển đổi đối tượng nuôi cá có giá trị kinh tế có giá trị kinh tế cao như tôm càng xanh, cá chép giòn, cá hô, cá chạch lấu, cá lóc, lươn đồng…
Trong đầu tư phát triển cá lồng bè, tập trung phát triển nuôi trồng theo hướng công nghiệp, thâm canh, tăng hiệu quả, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm, bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng sinh thái; ưu tiên đầu tư phát triển nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao ở nơi có điều kiện thuận lợi.
Tổ chức lại sản xuất theo mô hình quản lý cộng đồng như tổ hợp tác sản xuất VietGAP/ASC và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh tế tập thể như xây dựng điểm mô hình hợp tác xã kiểu mới các hộ nuôi lồng bè để liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Kế hoạch đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 2.360ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản, trong đó nuôi cá tra 485ha, lồng bè 1.800 chiếc, sản lượng 137.000 tấn. Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản tăng bình quân 3-3,5%/năm.
Thành Thặng
(Nguồn: Kế hoạch số 30/KH-SNN&PTNT ngày 08/10/2021 của Sở NN&PTNT về Phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên hủy sản nuôi tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2021 – 2030)