Trên cây lưỡi hổ, đốm lá là một trong những bệnh hại nguy hiểm, và nó đã được ghi nhận rất phổ biến trong các vườn ươm, ở một số quốc gia như Nhật Bản (Nakamura et al. 2006), Malaysia (Kee et al. 2020), Nam Phi (Jayawardena et al. 2016), Floria (Palmateer et al. 2012). Ngoài ra, các quốc gia như Thái Lan, Iran, Hàn Quốc, và Ấn Độ cũng đã có những báo cáo công bố bệnh đốm lá trên cây lưỡi hổ liên quan đến nấm Colletotrichum sansevieriae và Colletotrichum neosansevieria. Nấm Colletotrichum spp. là nấm bệnh có khả năng tấn công, gây hại trên rất nhiều loại cây cảnh, cây ăn trái và cả cây rau. Colletotrichum là nguyên nhân gây nên bệnh “thán thư”, gây mất năng suất trên cây trồng, giá trị thương phẩm của các loại trái cây, gây thiệt hại về kinh tế cho người nông dân.
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại thì chưa có một nghiên cứu khoa học nào về bệnh đốm lá trên cây lưỡi hổ được công bố. Tuy nhiên, trên thực tế thì đốm lá được đánh giá là loại bệnh hại quan trọng trên đối tượng cây trồng này, nhất là vào mùa mưa (ảnh a). Khi nấm bệnh mới tấn công, trên lá xuất hiện các đốm nhỏ hơi tròn có viền màu nâu sáng, vết bệnh lõm (ảnh b); sau đó vết bệnh phát triển lớn hơn và thường có hình tròn, xung quanh nổi gờ, trên bề mặt vết bệnh xuất hiện những ổ bào tử (ảnh c). Trong một số trường hợp (điều kiện thời tiết, ẩm độ phù hợp), những vết bệnh gần nhau phát triển và liên kết lại làm lá bị cháy thành từng mãng. Bệnh lây lan từ cây bị nhiễm sang cây khỏe là do sự phát tán của các bào tử nằm trên các ổ bào tử thông qua các giọt mưa hoặc giọt nước tưới, và quan trọng hơn hết nấm bệnh dễ dàng xâm nhập và gây hại hơn khi lá bị tổn thương.

Ảnh. Bệnh đốm lá và vết bệnh trên cây lưỡi hổ. (a): cây lưỡi hổ bị bệnh đốm lá gây hại; (b): vết bệnh đốm lá được chụp gần; (c) những ổ bào tử trên vết bệnh đốm lá được chụp dưới kính soi nổi.
|
Mặc dù, cây lưỡi hổ không đóng một vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp như các loại cây ăn trái hay cây lương thực khác. Tuy nhiên, việc quản lý bệnh đốm lá trên cây lưỡi hổ là một việc rất cần thiết. Nguyên nhân chính là bởi vì tác nhân gây bệnh đốm lá là nấm Colletotrichum. Đây là một chi nấm với hơn 200 loài (Marin-Felix et al. 2017), nằm trong danh sách mười nấm bệnh quan trọng, gây hại trên hầu hết các loại cây trồng và là nguyên nhân gây thiệt hại nặng về năng suất của rất nhiều loại cây trồng trên toàn thế giới (Cannon et al. 2012; Crouch et al. 2014). Hơn thế nữa, một loài Colletotrichum có thể tấn công gây hại trên rất nhiều loại cây trồng, chẳng hạn như thán thư trên ớt đã được nghiên cứu là liên quan đến 24 loài Colletotrichum (Mongkolporn and Taylor, 2018). Do đó, quản lý tốt bệnh đốm lá trên cây lưỡi hổ còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các loại cây trồng khác khỏi sự gây hại của nấm Colletotrichum.
Biện pháp quản lý bệnh đốm lá trên cây lưỡi hổ: (1) tránh tưới nước trực tiếp lên lá cây lưỡi hổ, có thể áp dụng biện áp tưới nhỏ giọt (trong trường hợp trồng trong vườn ươm) để đảm bảo phần lá cây vẫn khô thoáng; (2) thường xuyên kiểm tra, quan sát nhằm phát hiện kịp thời những vết bệnh mới xuất hiện (nhất là vào mùa mưa), loại bỏ và tiêu hủy đi các lá bệnh (lưu ý rằng việc cắt bỏ các lá bệnh phải được thực hiện trong điều kiện hoàn toàn khô ráo, dụng cụ cắt tỉa cần được sát trùng nhằm đảm bảo tránh sự lây lan từ cây bệnh sang cây khỏe); (3) sử dụng thuốc hóa học có hoạt chất Azoxystrobin hoặc Tubeconazole để phòng trừ trong trường hợp thật sự cần thiết.
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần phải được cân nhắc một cách cẩn trọng vì Colletotrichum gây đốm lá trên cây lưỡi hổ ở nước ta chưa được định danh một cách chính xác tên loài. Do đó, nếu tùy tiện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có thể thúc đẩy tính kháng thuốc, và sẽ dẫn đến hậu quả là chúng ta không thể quản lý được bệnh đốm lá trên cây lưỡi hổ và cũng như các loại cây cây trồng quan trọng khác trong trường hợp chúng bị nhiễm cùng loài nấm này.
BBT – Nguồn: Bản tin NNNT