
Tiêm ngừa cho trâu, bò
I. Biện pháp chung
1. Chuồng trại
- Chuồng trại đảm bảo cao ráo, luôn sạch sẽ và thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi. Nền chuồng phải thoát nước tốt; xung quanh chuồng phải có phên hoặc lưới để che chắn nắng đặc biệt là nắng vào buổi trưa và buổi chiều; khuyến khích trồng cây xanh tạo bóng mát xung quanh chuồng nuôi;
- Mái chuồng nên lắp đặt và sử dụng hệ thống tưới phun sương lên mái chuồng hoặc trực tiếp trong chuồng nuôi gia súc trong những ngày thời tiết nắng nóng để hạ bớt nhiệt… khi phun nước cần tăng cường thông gió và thoát nước ở xung quanh chuồng để tránh nâng cao độ ẩm trong chuồng. Hoặc làm mát mái chuồng bằng cách phủ rơm, rạ, lá cây hoặc trồng cây dây leo che phủ lên mái để làm mát bầu không khí chuồng nuôi.
- Trong chuồng nên lắp quạt điện, hệ thống thông gió theo thế nằm ngang, quạt theo hướng gió thổi để tăng cường lưu thông không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng. Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp, chăn nuôi chuồng kín cần chủ động dự phòng máy phát điện khi không có điện lưới.
- Bên ngoài chuồng cần phải có rãnh thoát nước thải và phân; có hố chứa phân (để giảm sức nóng do phân bốc lên). Tốt nhất nên có hố xử lý phân bằng phương pháp sinh học.
- Thu gom, di chuyển phân và các loại chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường;
- Với chuồng chăn nuôi gà: Chất độn chuồng cần mỏng hơn đối với gia súc và thường xuyên thay dọn và cần giảm mật độ nuôi nhốt trong mùa hè.
2. Về công tác vệ sinh thú y: Thực hiện vệ sinh, tẩy uế chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và khu vực xung quanh chuồng nuôi; Phun thuốc sát trùng định kỳ 02 tuần/lần bằng các loại hóa chất như: Iodine 10 %, Benkocid, Chloramin ...; Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi như: Lở mồm long móng gia súc, dịch tả, tụ huyết trùng, xoắn khuẩn, cúm gia cầm, gà rù, gumboro, thương hàn gà, phó thương hàn lợn, đóng đấu lợn ...; Định kỳ tẩy ký sinh trùng cho vật nuôi; Diệt chuột, gián, ve, ruồi, muỗi, mòng,…
3. Về chăm sóc nuôi dưỡng: Cho ăn thức ăn đảm bảo chất lượng không ôi thiu, mốc, thối, không nhiễm bẩn, cho ăn đầy đủ khẩu phần dinh dưỡng, ăn theo nhu cầu sinh lý từng giai đoạn; Sử dụng thức ăn hỗn hợp đảm bảo chất lượng, đủ hàm lượng đạm, do các hãng thức ăn có uy tín sản xuất; Cho ăn thức ăn dễ tiêu, nên cho thức ăn tinh vào sáng sớm và chiều tối; Nước uống đảm bảo đầy đủ, hợp vệ sinh; Đối với trâu, bò: không chăn thả khi trời nắng nóng, nhất là thời điểm từ 10 giờ - 16 giờ trong ngày để phòng tránh trâu, bò bị say nắng, say nóng.
Chú ý, nên cho gia súc gia cầm ăn thêm những thức ăn giải nhiệt, tăng sức đề kháng thì rất có lợi đối với việc phòng bệnh cho gia súc gia cầm trong mùa hè, như: (1) Vỏ dưa hấu: vỏ dưa hấu còn tươi cắt thành miếng nhỏ cho heo ăn; vỏ dưa hấu có thể thái nhỏ cho gà ăn khoảng 50 gam/con/ngày, chia làm 3 lần, buổi trưa cho ăn riêng vỏ dưa hấu, buổi sáng và tối thì trộn lẫn vào thức ăn của chúng, có thể tăng sức kháng nhiệt cho gà. (2) Giấm hoặc nước dưa chua: Cho heo uống giấm hoặc nước dưa chua sau một thời gian nhất định có thể khiến nhiệt độ cơ thể chúng hạ xuống. Từ đó mà đạt được mục đích thanh nhiệt giải nóng cho heo. Tùy theo heo to hay nhỏ mà cho uống nước dưa chua từ 250 - 500 ml/lần/ngày. (3) Đậu trắng có tác dụng tiêu nóng, kích thích tiêu hóa, tùy vào cân nặng của heo có thể dùng 20 - 50 gam đậu trắng chế thành canh cho heo uống. (4) Đậu xanh: Là sản phẩm có tác dụng phòng nóng truyền thống, lấy một lượng đậu xanh hợp lý, cho thêm 20 lần nước, nấu nhừ rồi để lạnh, nước thì cho vật nuôi uống, đậu cho vật nuôi ăn. Ngoài ra, cách tốt nhất để đảm bảo năng suất, chất lượng gia súc – gia cầm là tiêm ngừa đầy đủ các loại văcine phòng bệnh. Người chăn nuôi nên theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe gia súc, gia cầm để sớm phát hiện các dấu hiệu khác thường và báo cáo cán bộ thú y để được tư vấn điều trị; tăng cường lượng rau xanh để nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
II. Biện pháp phòng trị cụ thể
1. Đối với gia cầm
- Mật độ nuôi: Trong những ngày nắng nóng cần nuôi nhốt với mật độ vừa phải. Mật độ nuôi thích hợp như sau: Gà trống, gà đẻ nuôi nhốt: 3-5 con/m2; Gà con úm: 50-60 con/m2; Gà có trọng lượng < 1kg: 20-25 con/m2; Gà có trọng lượng > 1kg: 10-15 con/m2.
- Chăm sóc, nuôi dưỡng:
+ Nếu nhiệt độ lên quá cao có thể thả gà ra vườn, gốc cây, chuồng nên có sào đậu cho gà, tăng thêm số lượng máng ăn, máng uống; Cho nước sạch vào bể tắm, thay nước 2-3 lần/ngày cho thuỷ cầm (vịt, ngan...) tắm mát, giải nhiệt.
+ Bổ sung vitamin C, B.Complex và chất điện giải pha với nước sạch cho gia cầm uống; đối với gà đẻ trong mùa nóng giảm hàm lượng đạm, cho ăn thêm rau xanh, bã đậu tương.
- Tiêm, chủng đầy đủ các loại vắc xin cho gia cầm, đặc biệt là đối với các bệnh như Cúm gia cầm, gà rù, gumboro, tụ huyết trùng gia cầm, dịch tả vịt, viêm gan vịt..., để tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể gia cầm.
2. Đối với heo
- Mật độ nuôi: Heo nái, heo có chửa: 3-4 m2/con; Heo thịt: 2 m2/con;
- Chăm sóc, nuôi dưỡng:
+ Tắm 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể và phòng chống bệnh ngoài da (lưu ý: Tắm vào buổi sáng và buổi chiều).
+ Cung cấp đầy đủ nước sạch cho heo, tốt nhất nên dùng vòi uống tự động để heo có thể uống nước theo nhu cầu; bổ sung thêm muối ăn, đường Glucoza hoặc dùng các chất điện giải B. Complex cho vào thức ăn, nước uống hàng ngày cho heo.
+ Cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, dễ tiêu, cho ăn vào sáng sớm hoặc chiều mát.
+ Những ngày nắng nóng, không vận chuyển heo trong thời gian từ 11-16 giờ.
+ Những ngày nắng nóng có nhiệt độ cao phải giãn mật độ nuôi nhốt trong chuồng.
- Tiêm đầy đủ các loại vắc xin: lở mồm long móng, dịch tả, tai xanh, tụ huyết trùng, đóng dấu, E. Coli... theo quy định.
3. Đối với trâu, bò
Tắm mát cho trâu, bò 2 lần/ ngày. Tăng cường thức ăn xanh như rau, cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin..., tăng cường chất đạm. Đảm bảo thường xuyên có đủ nước mát sạch cho trâu, bò uống, bổ sung thêm muối ăn, đường Glucoza hoặc chất điện giải B.Complex cho vào thức ăn hay nước uống để giải nhiệt. Cho ăn đủ cỏ xanh: 10-15kg/con/ngày, bổ sung thêm tinh bột vào chiều tối sau khi đã ăn thức ăn xanh.
- Những ngày trời nắng nóng nên chăn thả trâu bò vào lúc mát: Buổi sáng từ 6-9 giờ; buổi chiều từ 16-18 giờ chiều. Không chăn thả gia súc ngoài trời nắng gắt trong thời gian dài, nếu nhiệt độ ngoài trời quá cao, nắng gắt nên nuôi nhốt gia súc và cho ăn tại chuồng, hoặc buộc ở những nơi có cây xanh bóng mát và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin: tụ huyết trùng, lở mồm long móng theo quy định thú y.
III. Các biện pháp xử lý khi gia súc bị cảm nắng, cảm nóng
Khi gia súc chăn thả lâu dưới trời nắng nóng hoặc để ánh nắng chiếu vào gia súc thời gian lâu, đặc biệt chiếu trực tiếp vào vùng đầu dễ gây ra bệnh cảm nắng, cảm nóng.
1. Triệu chứng:
- Gia súc đang ở ngoài trời nắng tỏ ra mệt mỏi, thân nhiệt tăng cao có thể lên trên 410C, choáng váng, đi lảo đảo. Gia súc thở nhanh, lúc thở chậm, tim đập nhanh có lúc bị loạn nhịp.
- Các triệu chứng trên kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ cộng với nhiệt độ môi trường vẫn cao sẽ có các biểu hiện sau: Gia súc khó thở, thở gấp; Tĩnh mạch cổ nổi rõ; Niêm mạc tím tái.
- Trường hợp nặng gia súc nằm liệt, co giật và bị hôn mê. Không có biện pháp chữa trị kịp thời thân nhiệt gia súc sẽ tăng cao, sùi bọt mép và chết.
2. Điều trị: Nhanh chóng đưa gia súc vào chỗ thoáng mát, nếu con vật bị quá nặng không thể đi được thì phải tạo ngay bóng mát tại chỗ che cho gia súc. Nếu đang vận chuyển gia súc phải dừng xe, đưa ngay xe vào chỗ thoáng mát. Dùng nước mát dội toàn thân, đầu tiên dội vào vùng đầu, dội nhiều lần đến khi đầu hạ nhiệt, tiếp đến các vùng khác trên thân. Đặc biệt nếu sử dụng nước lạnh hoặc đá thì việc hạ nhiệt cho gia súc càng có hiệu quả nhanh. Dùng thuốc trợ sức, trợ lực như: Đường Glucoza, Cafein, Vitamin C. Cho uống hạ sốt: Paracetamol 20mg/kg thể trọng hoặc AnaginC; cho uống nhiều nước mát, chất điện giải như Orezon… Để cho gia súc nghỉ ngơi. Cần thực hiện các biện pháp chăm sóc hộ lý đến khi gia súc khoẻ mạnh hoàn toàn. Đối với gia súc cày kéo hoặc đang khai thác tinh dịch cần được nghỉ ngơi thêm 4-5 ngày mới cho làm việc trở lại./.
Nguồn: Bản tin NNNT