
Hệ thống sát trùng phương tiện vận chuyển ra vào trại – một trong những yếu tố quan trọng trong quy trình chăn nuôi ATSH
Tồn tại trong thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học
Toàn tỉnh hiện có 75.820 hộ chăn nuôi, trong khi chăn nuôi quy mô trang trại chỉ có 788 trang trại (chiếm 1,03%). Thực tế thời gian qua cho thấy, chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ đã bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn, không thể thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật về an toàn sinh học trong phòng, chống dịch bệnh và thường chịu thiệt hại rất lớn về kinh tế. Tháng 5 năm 2019, khi Dịch tả heo Châu Phi (ASF) lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã làm cho đàn heo của tỉnh bị nhiễm bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy lên tới 35.074 con (chiếm 9,48% tổng đàn) với tổng trọng lượng 2.102.328kg, các ổ dịch xảy ra tại 1.430 hộ (chiếm 14,4% số hộ chăn nuôi toàn tỉnh giai đoạn xảy ra dịch), ngân sách nhà nước hỗ trợ các hộ có heo bị tiêu hủy và công tác phòng chống dịch ASF trong năm 2019 lên đến 71.033.055.490 đồng. Mặc dù ngành chuyên môn đã chủ động tuyên truyền, tập huấn trước đó về các biện pháp chăn nuôi ATSH để người chăn nuôi áp dụng thực hiện vào quá trình sản xuất chăn nuôi, chủ đồng phòng ngừa khi dịch bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, với quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, hạ tầng chuồng trại đơn sơ, xuống cấp, kinh phí, ý thức phòng bệnh hạn chế, không đáp ứng điều kiện để thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp ATSH đã dẫn đến hệ quả tất yếu là dịch bệnh xảy ra và bùng phát trên diện rộng trong năm 2019.
Các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học
Để đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay nhiều dịch bệnh có nguy cơ xảy ra cao như lở mồm long móng trên gia súc, bệnh cúm trên gia cầm, viêm da nổi cục trên trâu bò (LSD), dịch tả heo Châu Phi (hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh), ngoài tiêm phòng vắc xin thì việc thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật chăn nuôi ATSH là rất quan trọng, trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp sau:
Thứ nhất: Cách ly, là khoảng cách cần thiết giữa cơ sở chăn nuôi với khu dân cư, đường giao thông, khoảng cách giữa các trại chăn nuôi, chuồng nuôi, các khu chăn nuôi, nhà chứa thức ăn, khu tiêu huỷ phân,.... Trong đó, hàng rào bao quanh khu chăn nuôi rất quan trọng nhằm ngăn cách khu chăn nuôi với khu vực xung quanh, qua đó ngăn chặn sự xâm nhập của người và động vật vào khu vực chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần bố trí các khu vực chăn nuôi riêng từng lứa tuổi gia súc, gia cầm nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan từ đàn này sang đàn khác.
Thứ hai: Giám sát vệ sinh sát trùng. Tại cổng ra vào khu vực chăn nuôi cần được bố trí các hố sát trùng bằng vôi bột hoặc hoá chất trước cổng ra vào trại và trước các cửa chuồng nuôi. Đối với các trại chăn nuôi cần có phòng thay quần áo, sát trùng và nhà tắm cho công nhân và người ra vào khu vực chăn nuôi; khu vực bảo quản thức ăn phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, hàng tuần phải được khử trùng và diệt côn trùng; đối với chuồng trại, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi hàng ngày phải được vệ sinh sạch sẽ, thay chất độn chuồng bị ẩm ướt. Định kỳ vệ sinh sát trùng khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc thuốc sát trùng (khoảng 1 tuần một lần đối với vùng không có dịch, 1-2 ngày một lần đối với vùng đang có dịch); sau mỗi đợt nuôi phải thu gom chất độn chuồng bán hoặc ủ có vôi bột. Nền chuồng phải được vệ sinh sạch sẽ, phun vôi bột hoặc hóa chất sát khuẩn trên nền, vách chuồng và trên trần để cách ly ít nhất 02 tuần trước khi thả nuôi lứa mới. Khu vực xung quanh chuồng nuôi phải đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, định kỳ vệ sinh sát khuẩn bằng vôi bột hoặc hóa chất, khơi thông cống rãnh.
Thứ ba: Thức ăn và nước uống. Yêu cầu thức ăn cho gia súc, gia cầm phải đủ dinh dưỡng phù hợp với từng giống, từng giai đoạn nuôi. Thức ăn phải được bảo quản nơi khô ráo, sạch sẽ, bảo đảm không bị ẩm mốc, quá hạn sử dụng, nhiễm khuẩn, độc tố. Nguồn nước uống cho gia súc, gia cầm phải đảm bảo sạch, hợp vệ sinh và phải được kiểm tra định kỳ.
Thứ tư: Kiểm soát ra vào khu vực chăn nuôi
- Đối với người ra vào khu vực chăn nuôi: Hạn chế tối đa người ra vào trại, bố trí cho công nhân ăn, ngủ tại trại (nhất là trong thời gian có nguy cơ phát dịch cao). Trước khi vào trại phải tắm rửa, thay quần áo (đặc biệt công nhân không được nuôi gia súc, gia cầm tại nhà riêng). Cán bộ thú y của trại không được hành nghề ngoài trại.
- Đối với gia súc, gia cầm: Gia súc, gia cầm đưa vào trại phải khỏe mạnh, được nhập từ cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh (có giấy chứng nhận kiểm dịch đầy đủ). Gia súc, gia cầm mới mua về trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly và theo dõi ít nhất 3 tuần. Tất cả gia súc, gia cầm phải được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, cho uống thuốc phòng bệnh đúng lịch.
- Đối với sản phẩm gia súc, gia cầm: Cần kiểm tra chặt chẽ không mang thịt và sản phẩm gia súc, gia cầm vào trại sử dụng. Trứng gia cầm vào trại để ấp phải lấy từ những cơ sở đã được xét nghiệm an toàn dịch bệnh và phải xông formol trước khi đưa vào ấp.
- Đối với phương tiện vận chuyển: Bố trí phương tiện vận chuyển nội bộ riêng trong trại. Các xe vận chuyển trước khi vào trại phải phun thuốc khử trùng.
- Đối với dụng cụ chăn nuôi: Mỗi khu vực nuôi phải có dụng cụ riêng, nếu luân chuyển thì dụng cụ phải được vệ sinh và khử trùng.
Thứ năm: Công tác xử lý khi có dịch bệnh. Khi có gia súc, gia cầm chết, chết hàng loạt phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y biết để xử lý kịp thời. Không bán chạy gia súc, gia cầm bệnh, không vứt xác gia súc, gia cầm bừa bãi ra khu vực ao hồ xung quanh trại, không ăn thịt gia súc, gia cầm bệnh. Tiêu hủy xác gia súc, gia cầm chết nghi mắc bệnh nguy hiểm bằng cách chôn, đốt theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh ổ dịch bằng vôi bột hoặc hóa chất. Tiêm phòng cho toàn bộ gia súc, gia cầm xung quanh vùng có dịch.
Từ các giải pháp kỹ thuật trên, thực tế thời gian qua cho thấy các trang trại chăn nuôi trong tỉnh, đặc biệt các các trang trại chăn nuôi theo hình thức gia công đã tiếp cận và áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, quy trình chăn nuôi tiên tiến từ các doanh nghiệp FDI, trong đó quy trình chăn nuôi an toàn sinh học được tổ chức thực hiện nghiêm túc, liên tục, đầy đủ trong suốt quá trình sản xuất chăn nuôi đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các trang trại đều có thể “đứng vững” và an toàn trước các đợt dịch bùng phát vừa qua. Vì vậy, biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch và phát triển chăn nuôi bên vững thời gian tới.
Nguồn: Bản tin NNNT