
Nuôi ghép cá thát lát cườm với cá sặc rằn
1. Lưu ý khi lựa chọn đối tượng nuôi ghép với nhau:
- Thời gian nuôi để đạt được kích cỡ thương phẩm của các đối tượng nuôi ghép phải tương đương nhau để khi thu hoạch cùng lúc.
- Các loài cá nuôi ghép với nhau phải không cạnh tranh nhau về không gian sống, về thức ăn với nhau. Không nuôi ghép các loài cá dữ (cá lóc) chung với cá thát lát. Nếu nuôi ghép các loài cá dữ với cá khác thì nên nuôi cá dữ trong vèo đặt trong ao còn các loài cá khác nuôi bên ngoài vèo.
- Nên xác định một đối tượng nuôi chính và đối tượng nuôi phụ.
- Không nuôi ghép quá nhiều loài cá với nhau (dưới 4 loài) và đối tượng nuôi chính phải chiếm > 50% tổng các loài cá.
2. Cơ cấu nuôi hợp lý: Mật độ cá thả tùy vào đối tượng nuôi, điều kiện ao nuôi, điều kiện địa phương (nguồn nước, nguồn tiêu thụ…). Người nuôi có thể lựa chọn một số hình thức dưới đây:
- Nuôi ghép cá thát lát cườm với các sặc rằn hoặc cá tra (cá thát lát cườm là đối tượng chính), trong đó cá thát lát cườm nuôi trong vèo đặt trong ao, còn cá sặc rằn hoặc cá tra nuôi bên ngoài.
- Nuôi ghép ếch với cá rô phi đỏ hoặc cá rô… (ếch là đối tượng nuôi chính), trong đó ếch nuôi trong vèo đặt trong ao, còn cá thì nuôi bên ngoài.
- Nuôi ghép cá tai tượng với cá mè trắng và cá chép (cá tai tượng là đối tượng nuôi chính).
Mật độ nuôi: từ 10 – 20 con/m2 đối với đối tượng nuôi chính và từ 1-2 con/m2 đối với đối tượng nuôi phụ.
3. Một số lưu ý về kỹ thuật nuôi:
3.1 Ao nuôi: Ao nuôi phải giữ nước tốt. Ao nuôi gần nguồn nước sạch, cấp thoát chủ động, mực nước trong ao ổn định 1,2 – 1,5m, bờ ao cách mực nước cao nhất 0,5m.
3.2 Cá giống: Chọn con giống tốt, đồng cỡ, màu sắc sáng bóng, không dị tật, dị hình, bơi lội nhanh nhẹn, phản xạ nhanh. Trước khi thả giống nên tắm cá giống qua nước muối 2 - 3% trong 10 - 15 phút, nên cân bằng nhiệt độ trong bao/thùng vận chuyển cá giống với nước trong ao nuôi trước khi thả.
3.3 Thức ăn: Chú ý cho cá ăn đảm bảo 4 yêu cầu: định chất, định lượng, định thời gian và định vị trí. Hàm lượng đạm trong thức ăn tùy thuộc vào từng đối tượng nuôi, đối với các loài cá dữ (cá lóc, cá thát lát…) hàm lượng đạm từ 35 – 40%, các loài cá khác (rô phi, sặc rằn...) hàm lượng đạm từ 25 – 30%. Thường xuyên bổ sung men tiêu hóa và vitamin C (2-3 lần/tuần) để tăng cường khả năng tiêu hóa và sức đề kháng cho cá.
3.4 Chăm sóc: Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi màu nước ao để có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp cho cá sinh trưởng và phát triển.
Vào mùa mưa nên sử dụng vôi bột rải xung quanh bờ ao để ngăn phèn rửa trôi từ bờ ao xuống, đồng thời hòa vôi vào nước tạt khắp ao với liều lượng 1 – 3kg/100 m3 sau mỗi cơn mưa lớn để ổn định pH nước và phòng bệnh cho cá.
3.5 Ghi chép nhật ký sản xuất và thu hoạch: Ghi đầy đủ những việc làm trong suốt quá trình nuôi để làm cơ sở hạch toán kinh tế và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khi cá nuôi đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch, nên thu hoạch toàn bộ để cải tạo ao và nuôi vụ mới./.
Nguồn: Bản tin NNNT