1. Thực trạng của các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP
Dịch Covid -19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ nền kinh tế và hầu hết các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP. Họ đa số là các doanh nghiệp nhỏ yếu vốn, nhạy cảm với sức mua, dễ tổn thương khi chuỗi cung ứng hàng hóa, cung ứng vật tư bị đứt gãy. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của Covid -19 và giãn cách đối với các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP là khác nhau tùy theo ngành, trong đó các sản phẩm OCOP có liên quan tới lĩnh vực thực phẩm là ít bị ảnh hưởng nhất.

Sản phẩm OCOP trong Hội nghị giao thương
- Thị trường và sức mua giảm mạnh: cho tới thời điểm này, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, thu nhập người dân giảm mạnh kéo theo sức mua giảm (trừ sức mua đối với lương thực, thực phẩm thiết yếu còn khá tốt).
- Các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ mà còn gặp khó khăn về nguồn cung vật tư sản xuất, chi phí sản xuất tăng cao (nguyên liệu cơ bản phục vụ sản xuất tăng, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng tăng cao, chi phí phục vụ cho công tác phòng dịch phát sinh cũng tạo gánh nặng không nhỏ cho các doanh nghiệp).
- Quy định về các biện pháp giãn cách (phong tỏa, giới nghiêm), hạn chế vận chuyển hàng hóa của các địa phương không thống nhất, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, cộng với việc hạn chế một phần thị trường bán sỉ và bán lẻ (các chợ truyền thống), đã làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Việc triển khai tiêm vaccine cho các đối tượng là tài xế, người lao động tại các doanh nghiệp còn quá chậm. Với chính sách thống nhất quản lý và phân phối vaccine hiện nay, tỉnh và doanh nghiệp không thể chủ động nguồn vaccine để tiêm cho công nhân của mình kịp thời.
- Các chính sách chống dịch (giãn cách, phong tỏa, hạn chế đi lại, hạn chế phân phối, sản xuất ba tại chỗ, vùng đỏ, vùng xanh…) của chúng ta đặt ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, những chính sách đó cũng đã làm cho lực lượng lao động bị thiếu hụt (công nhân không thể tới chỗ làm hoặc nhà máy phải tạm đóng cửa vì không đủ điều kiện sản xuất ba tại chỗ), nguồn cung ứng vật tư bị thiếu hụt, dịch vụ sửa chữa, bảo trì bị gián đoạn dẫn đến việc phải thu hẹp hoặc phải tạm ngưng sản xuất.
2. Đề xuất giải pháp để phục hồi sản xuất trong cuộc sống bình thường mới
Như tất cả chúng ta đã biết, thời gian qua, chính phủ đã rất cố gắng để vừa hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa duy trì sản xuất vừa giữ gìn sức khỏe cho người dân. Trên góc độ nào đó, chúng ta cũng đã đạt được một số mục tiêu ban đầu về khống chế dịch bệnh, trong đó ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Mặt trái của nó là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và chính phủ đang dần cạn kiệt các nguồn lực. Thực tế cho thấy, chúng ta không thể mãi chống dịch Covid -19 với một cái bụng đói và một nền kinh tế kiệt quệ. Với cách nhìn mới, chính phủ cũng thấy rằng không thể khống chế dịch Covid-19 hoàn toàn mà phải kiểm soát dịch trong trạng thái bình thường mới. Với cách nhìn đó, chúng ta phải tập trung nguồn lực vào việc tiêm vaccine cho toàn dân và vực dậy nền kinh tế đang bị tổn thương qua việc tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất, đây là 2 vấn đề quan trọng để có được cuộc sống bình thường mới.
Phần tiếp theo, mình xin chia sẻ dưới góc nhìn của một doanh nghiệp:
* Vaccine cho các doanh nghiệp: để khôi phục lại sản xuất trong cuộc sống bình thường mới điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp cần phải được cung cấp vaccine kịp thời bằng nhiều cách. Trong thời gian sắp tới, tài xế giao hàng và đội ngũ kinh doanh cần có thẻ xanh (đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine) và thẻ vàng (đã được tiêm 1 mũi vaccine) để di chuyển qua tỉnh khác và người lao động cũng phải có thẻ xanh hoặc thẻ vàng để di chuyển đến chỗ làm. Muốn có đủ và kịp thời nguồn vaccine cho doanh nghiệp, tôi có một số kiến nghị sau:
- Xã hội hóa nguồn vaccine bằng nguồn tiền từ công ty hoặc hiệp hội doanh nghiệp có thể chủ động liên hệ mua nguồn vaccine cần thiết cho các doanh nghiệp thành viên (việc làm này vừa giảm tải cho ngân sách nhà nước mà cũng tiết kiệm cho doanh nghiệp vì chi phí tiêm ngừa rẻ hơn nhiều so với chi phí xét nghiệm định kỳ như hiện nay). Nếu nhà nước vẫn giữ quan điểm vaccine cho toàn dân thì phải gấp rút đưa danh sách người lao động trong các doanh nghiệp lên hàng đầu. Thậm chí đội ngũ tài xế giao hàng có nhiệm vụ giúp lưu thông hàng hóa thông suốt cần phải ưu tiên như đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Muốn an toàn hơn nữa, ngoài người lao động, chúng ta cũng nên tiêm ngừa cho người thân của họ để tránh lây nhiễm chéo khi họ về nhà.
- Đẩy nhanh việc sản xuất vaccine trong nước và vaccine chuyển giao công nghệ: chỉ có như vậy chúng ta mới chủ động được nguồn vaccine cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp cả thế giới như hiện nay.
* Một số giải pháp cấp thiết để góp phần khôi phục sản xuất trong giai đoạn bình thường mới: Một số giải pháp cần thiết từ nhà nước để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh:
- Cần xóa bỏ các điều kiện về mặt hàng, dịch vụ thiết yếu để đưa lưu thông hàng hóa, cung ứng hàng hóa về trạng thái bình thường mới (tất cả lái xe và giao hàng đều phải được tiêm ngừa): tất cả các loại hàng hóa không bị cấm kinh doanh đều phải được coi là thiết yếu vì các loiaj hang hóa đều liên đới với nhau vì sự phân công lao động xã hội đã gắn kết tất cả các ngành sản xuất, các loại hang hóa lại với nhau một cách chặt chẽ. Một ví dụ dễ hiểu: cái bạc đạn hiện nay không được coi là sản phẩm thiết yếu, nhưng dây chuyền sản xuất của một nhà sản xuất nào đó bị bể bạc đạn không thể hoạt động mà không có để thay thế thì làm sao?. Hoặc cây giống và thức ăn gia súc trước đây cũng không được coi là mặt hàng thiết yếu sẽ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm trong thời gian sắp tới.
- Với chủ trương mới, nhà nước cho ssản xuất hai tại chỗ ở vùng xanh (doanh nghiệp có số lao động dưới 10 người) hoặc 3 tại chỗ (doanh nghiệp có số lao động 10 người trở lên) thì cũng phải tạo điều kiện cho xe chở vật tư của các nhà cung cấp đi qua các chốt kiểm soát (với điều kiện tài xế phải có giấy test Covid – 19 như quy định). Nhận thấy như hiện nay mỗi lần giao nhận hàng là doanh nghiệp và nhà cung cấp phải tiến hành ở ngay chốt làm chi phí giao nhận cao hơn, đồng thời rủi ro cũng cao hơn( do ở trạm không chắc có đủ các thiết bị khử khuẩn cần thiết cho việc giao nhận).
- Bỏ yêu cầu test đối với tài xế và giao hàng đã tiêm đủ hai mũi và kéo dài thời gian hiệu lực của giấy test (hiện nay là 3 ngày) đối với tài xế và giao hàng đã tiêm được 1 mũi vaccine. Việc làm này sẽ giảm chi phí và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm chống dịch trên tinh thần vaccine và 5K của trạng thái bình thường mới.
- Các cơ quan nhà nước đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, trong đó ưu tiên giải quyết và trả kết quả hành chính online, điều này sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp và cho chính các cơ quan nhà nước. Đồng thời, có các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP như: các chính sách giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí trong một thời hạn nhất định; hướng dẫn các ngân hàng giảm lãi suất tín dụng, giãn nợ và tăng hạn mức cho vay để giúp các nhà sản xuất khôi phục hoạt động trong giai đoạn bình thường mới.
* Một số giải pháp mà chính doanh nghiệp cần chuẩn bị để khôi phục sản xuất trong giai đoạn bình thường mới:
- Thị trường và bán hàng: phân tích lại thế mạnh, điểm yếu của sản phẩm, cơ hội và thách thức đối với sản phẩm của mình trong giai đoạn bình thường mới sắp tới, từ đó xác lập lại khách hàng mục tiêu, kênh phân phối cho hiệu quả hơn. Duy trì và đa dạng kênh bán hàng trong bối cảnh thị trường thu hẹp và sức mua thấp. Qua mùa dịch, một trong những bài học chúng ta rút ra là:
+ Kênh truyền thống: nhạy cảm với giá, phù hợp với những sản phẩm có chiến lược giá rẻ, không yêu cầu cao về thủ tục, chứng từ, quy trình sản xuất. Kênh này nhạy cảm với dịch bệnh, nhất, sẽ bị đóng cửa đầu tiên nếu bùng dịch.
+ Kênh hiện đại và online: phù hợp với những sản phẩm có chất lượng tốt, ít bị ảnh hưởng hơn trong dịch bệnh. Tuy nhiên, hai kênh này sẽ yêu cầu cao hơn về mức độ chuyên nghiệp trong vận hành, chứng từ, quy trình sản xuất. Một điểm các nhà sản xuất cần đặc biệt lưu ý: trong giai đoạn bình thường mới, việc bán hàng online có ưu thế vượt trội so với các kênh còn lại (chỉ khi lực lượng giao hàng (shipper) bị hạn chế thì mới không giao dịch được thôi) và tâm lý người tiêu dùng cũng không muốn ra đường nhiều, tránh rủi ro lây nhiễm ở cộng đồng. Các doanh nghiệp có sản phẩm OCOP cố gắng xây dựng cho được kênh bán hàng này thông qua website của công ty và các sàn thương mại điện tử khác. Về lâu dài, doanh nghiệp nào không thiết lập được kênh này sẽ bị tụt lại so với các nhà cạnh tranh khác.
- Cung ứng vật tư của các nhà cung cấp: phải nắm được danh sách những nhà cung cấp ngừng hoạt động hoặc nhà cung cấp không đáp ứng được quy định chống dịch của địa phương để có phương án thay thế kịp thời. Giá cả vật tư của các nhà cung cấp có biến động không? Cần tham khảo thêm giá của các nhà cung cấp cùng loại vật tư để cân nhắc tiếp tục hợp tác hay thay đổi nhà cung cấp.
- Tài chính:
+ Doanh nghiệp phải bảo đảm dòng tiền mặt của mình không bị hụt. Đủ vốn để khôi phục sản xuất lại hay phải vay thêm ngân hàng? Phương án vay vốn ngân hàng như thế nào? Khôi phục lại với quy mô như thế nào?
+ Kiểm soát chi phí lại chặt chẽ hơn: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá vật tư nhập khẩu tăng trong khi thị trường bán ra sức mua kém, các nhà sản xuất không dám mạo hiểm tăng giá bán ra hoặc không dám tăng giá tương ứng với việc tăng giá của vật tư. Trong bối cảnh như vậy, việc kiểm soát chặt chẽ lại các khoản chi phí là điều kiện sống còn của doanh nghiệp.
- Nhân sự: cân nhắc lực lượng lao động như thế nào để vửa phù hợp với quy mô sản xuất trong giai đoạn khôi phục vừa đáp ứng được các chính sách phòng chống dịch của nhà nước như thế nòa?. Ví dụ: cần phải tiến hành tiêm ngừa vaccine cho bao nhiêu người? làm tạm trú tại địa phương để tránh gặp khó khăn khi di chuyển khác vùng, khác khu vực.).
- Số hóa các hoạt động của doanh nghiệp: giống như đã đề cập trong phần kênh bán hàng online và kiểm soát chi phí, doanh nghiệp nào số hóa các hoạt động của mình càng sớm, càng tiết kiệm được chi phí quản lý, bán hàng và tiếp thị. Đây phải coi là vần đề SỐNG CÒN của doanh nghiệp trong giai đoạn bình thường mới sắp tới./.
Nguồn: Bản tin NNNT