
- Hỗ trợ phân hữu cơ sinh học cho 20 hộ dân trên địa bàn phường 3, phường 5, phường 8, Tân Ngãi, Trường An và Tân Hội với diện tích đăng ký là 50.000m2. Tổng số tiền hỗ trợ cho nông dân là: 145.000.000 đồng/20 hộ và dân đối ứng là 145.000.000 đồng/20 hộ. Sau 7 tháng triển khai, mô hình được nông dân và chính quyền địa phương đánh giá cao vì phân hữu cơ giúp tăng cường lượng vi sinh vật trong đất góp phần phân giải các chất khó tiêu; làm đất giàu mùn, thoáng khí nên bộ rễ của cây hấp thụ dinh dưỡng tốt; tăng tỷ lệ đậu hoa, đậu trái và hạn chế được tối đa tình trạng rụng trái non; mẫu mã trái đẹp, độ ngọt cao, ít sâu bệnh, góp phần tăng năng suất từ 20-30% và giảm chi phí phân bón hóa học từ 30-50%. Các chủng vi sinh vật hữu ích trong chế phẩm, có khả năng ức chế, xua đuổi, ngăn chặn sự xâm hại của tuyến trùng, nấm và sâu bệnh hại. Đặc biệt hơn nữa đây là sản phẩm rất thân thiện với môi trường và người sử dụng.
- Hỗ trợ mô hình nuôi lươn không bùn cho 10 hộ dân trên địa bàn phường 5, phường 8 với 35.000 cong giống/10 hộ và 30% thức ăn với tổng số tiền nhà nước hỗ trợ là 185.700.000 đồng. Mô hình đã tận dụng diện tích sân vườn sẳn có nhằm tăng thu nhập cho nông hộ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân đồng thời cũng được sự ủng hộ của chính quyền đia phương. Phần lớn các hộ tham gia đều nhiệt tình, quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng tốt trong suốt thời gian thực hiện hiện trong 10 hộ tham gia mô hình có nhiều hộ đã nhân rộng mô hình mở rộng diện tích nuôi như hộ anh Trần Văn Hải ở phường 8 đã mua thêm 60.000 con giống. Việc thực hiện mô hình giúp người dân tận dụng hết thời gian nhàn rỗi và diện tích đất ít để tăng thêm thu nhập. Đặc biệt, những hộ không có diện tích đất trồng nhưng nhà có chuồng trại bỏ trống hay sân thượng chúng ta cũng có thể kết hợp nuôi lươn không bùn.
Lươn sử dụng thức ăn viên công nghiệp nên chủ động nguồn thức ăn, dễ chăm sóc; khẩu phần ăn của lươn ít so các loài thủy sản khác nên người dân nhẹ vốn mua thức ăn; lươn thương phẩm dễ bán nên đầu ra thuận lợi. Ngoài ra, nuôi lươn cũng góp phần phát triển nghề nuôi thủy sản của tỉnh theo hướng sản xuất có hiệu quả ở quy mô nông hộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về nguồn thực phẩm thủy sản có giá trị, đạt chất lượng cao trên thị trường, từng bước xây dựng vùng nuôi chuyên canh các đối tượng thủy đặc sản có thế mạnh để nâng cao giá trị trong sản xuất.
Nhìn chung, các mô hình nông nghiệp trên bước đầu đạt hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp đô thị; góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng đất canh tác đô thị trong thời gian tới nếu tiếp tục được phát huy./.
Nguồn: Bản tin NNNT