
Vườn ươm mít giống đang phát triển mạnh ở xã Chánh An
Cả xã chỉ còn hơn 24ha đất trồng lúa
Những năm gần đây, nhiều diện tích đất ruộng được người dân ở xã Chánh An chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản. Đến cuối năm 2021, toàn xã chỉ còn 24,55ha đất trồng lúa tại 3 ấp Mỹ Hạnh, Tân Mỹ và An Hòa. Xã cũng đã hình thành 895ha vườn cây ăn trái (trong đó 776,6ha cho hiệu quả kinh tế cao), 247,5ha cây màu và 30,9ha ao, hầm, bể nuôi thủy sản (trong đó diện tích cá tra 21,58ha và gần 10ha nuôi cá trê, cá thác lác cườm, lươn và lươn giống).
Đặc biệt, xã có 31,82ha vườn ươm cây giống, nhiều nhất là mít và sầu riêng, tập trung nhiều ở ấp Tân An (6,32ha), Mỹ Hạnh (11,1ha), Tân Mỹ (9ha) và An Hòa (4,55ha). Mô hình này đang phát triển mạnh và trở thành hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của xã.
Về cây ăn trái, sầu riêng là thế mạnh của xã với khoảng 300ha, ở đây đã thành lập hợp tác xã (HTX) sầu riêng Chánh An có 41 hộ tham gia sản xuất trên diện tích 32,34ha, HTX hoạt động có hiệu quả và tạo điều kiện cho xã viên phát triển kinh tế góp phần thu nhập cho gia đình. Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít đang hỗ trợ HTX xây dựng mô hình VietGAP trên cây sầu riêng. Ông Phạm Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Chánh An cho hay, cây ăn trái, cây giống và thủy sản là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp-thủy sản của xã.
Nuôi lươn sinh sản-nghề mới của xã
Nghề lươn sinh sản (nuôi lươn giống) phát triển mạnh mẽ ở Chánh An trong vài năm trở lại đây. Hiện nay toàn xã có 15 hộ sản xuất lươn giống với khoảng 300 bể nuôi, diện tích ươm lươn giống 6,06ha, tập trung ở các ấp Mỹ Chánh (2,1ha), Tân Mỹ (2,23ha), Tân An (1,2ha), An Hòa (0,43ha) và Mỹ Long (0,1ha). Sản lượng thu hoạch năm 2021 đạt khoảng 50 triệu lươn con.
Ở đây, lươn bố mẹ được nuôi trong bể. Có hai dạng bể nuôi được bà con nông dân áp dụng: bể lót bạt nylon trong khung cây có mô đất (Ảnh) và bể lót bạt nylon có mô đất đắp xung quanh bên ngoài bể. Loại bể thứ hai có bố trí mô đất hoặc nuôi không bùn, xung quanh có che chắn bằng lá lợp nhà.
Theo một số hộ nuôi ở ấp Mỹ Chánh, xã Chánh An cho biết, nuôi lươn sinh sản trước tiên phải nuôi vỗ lươn bố mẹ để đẻ lươn con. Thời gian nuôi vỗ lươn bố mẹ kéo dài 3 tháng, thời điểm thích hợp là từ đầu tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Sau đó, cho lươn bố mẹ đẻ đến tháng 11 (8 tháng). Trong đó, thời vụ chính từ tháng 3 đến tháng 6.
Thức ăn cho lươn con là cá tạp, trùn quế, giun đất, cua, tép, ốc,…và cám công nghiệp 42-45% đạm. Thức ăn tươi được băm nhỏ vừa với miệng lươn, tất cả cho vào sàng ăn có lót mủ để tránh rơi rớt và được đặt giữa bể nuôi.
Lươn bố mẹ được nuôi vỗ sau 3 tháng thì bắt đầu sinh sản tự nhiên trong ao. Theo tính toán của những hộ nuôi, trung bình một bể kích thước 4x6m hoặc 8x3m (24m2/bể) nuôi từ 400-450 lươn bố mẹ, mỗi tháng sẽ cho thu hoạch 5.000 lươn bột. Sau 8 tháng cho sinh sản, tổng số lươn giống thu được khoảng 40.000-50.000 con, với giá xuất bán 1.000 đồng/con, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư (lươn bố mẹ, bể, đất, dụng cụ cho đẻ, thức ăn, nhiên liệu, công chăm sóc,…), người nuôi thu lợi nhuận từ 30-35 triệu đồng.
Ông Phạm Văn Tuấn cho biết thêm, nghề ươm lươn giống trên địa bàn xã đang thuận lợi, đầu ra ổn định, có lợi nhuận nên nhiều hộ nuôi đã mở rộng thêm qui mô để tăng sản lượng lươn giống đáp ứng nhu cầu nuôi của nông dân trong xã và khu vực lân cận. Ngoài ra, nghề nuôi lươn giống còn đóng góp rất lớn làm gia tăng giá trị sản xuất thủy sản của xã.
Thanh Hà