
Cải xà lách lụa-Một trong những rau cải được trồng nhiều, dễ tiêu thụ ở HTX rau an toàn Phước Hậu (Long Hồ)
Rau dễ trồng, vốn đầu tư thấp
Các loại rau cải dùng cho các bửa ăn hàng ngày có thể chia ra các loại: rau ăn lá (như cải xà lách lụa, xà lách xoong, cải bẹ xanh, mồng tơi, rau muống, hành lá, ngò rí…), loại rau lấy củ (gồm củ sắn, củ cải trắng, củ hành...) và loại rau lấy trái (như ớt, bầu bí, khổ qua...). Hầu hết các loại rau này rất dễ trồng, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên của Vĩnh Long, thời gian sản xuất ngắn, vốn đầu tư thấp (vài triệu đồng/công) nên được nhiều nông dân chọn trồng, nhất là đối với hộ ít đất, hộ nghèo hoặc những nơi đất cao không tiện trồng lúa.
Ngoài những vùng trồng rau màu có truyền thống, có từ lâu đời, phong trào trồng rau màu có sức lan tỏ nhanh chóng. Ở tỉnh ta, hàng năm gieo trồng khoảng 36.000ha cây thực phẩm (rau, đậu các loại), sản lượng từ 600-700 ngàn tấn/năm, trong đó rau các loại có trên 35.500ha. Dự báo đến năm 2025, diện tích cây thực phẩm của tỉnh lên hơn 42.100ha, sản lượng 773.00 tấn. Nhờ xây dựng các vùng chuyên canh rộng lớn, tập trung ở huyện Bình Tân, Long Hồ, Tam Bình và thị xã Bình Minh và áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, nên sản phẩm rau màu của Vĩnh Long rất đa dạng, chẳng những được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước mà còn được xuất khẩu...
Nhiều loại hình hợp tác chuyên sản xuất loại rau cải được hình thành Hợp tác xã rau an toàn (HTX RAT) Phước Hậu (xã Phước Hậu, Long Hồ) và HTX RAT Thành Lợi (xã Thành Lợi, Bình Tân) cùng với nhiều tổ, nhóm, mô hình sản xuất rau an toàn trong dân có diện tích trên 1.500ha (chiếm 10% diện tích rau màu cả năm toàn tỉnh). Có một điểm nổi bật là, hợp tác xã rau an toàn tuy doanh thu không lớn, lợi nhuận không cao nhưng hoạt động khá ổn định, không bị khủng hoảng so với các hợp tác xã hoạt động trên các lĩnh vực khác.
Từ kinh nghiệm thực tế trong quá trình sản xuất, cộng với sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật của Nhà nước, nhiều mô hình trồng rau màu có hiệu quả kinh tế khá cao đã được hình thành ở Vĩnh Long, như mô hình trồng RAT ở HTX RAT xã Phước Hậu, mô hình trồng hành lá ở xã Tân Bình (Bình Tân), mô hình trồng cải xà lách xoong ở xã Thuận An-Đông Bình (thị xã Bình Minh), mô hình trồng củ cải trắng ở xã Long Mỹ, Mỹ An (Mang Thít) và xã Thanh Đức (Long Hồ)...
Mô hình trồng củ cải trắng chuyên canh tại 3 xã trên có diện tích gần 90ha. Cây màu này rất dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn (40-45 ngày kể từ khi gieo hạt xuống đất). Ở xã Long Mỹ, củ cải trắng trồng nhiều ở xóm rẩy ấp Long Phước, loại cây này đã gắn bó với nông dân nơi đây gần 20 năm, toàn xã hiện có trên 10ha trồng chuyên loại cải này với 23 hộ tham gia và đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ củ cải trắng Long Mỹ (Tổ hợp tác này đã được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP vào đầu năm 2018).
Còn ở xã Mỹ An, anh Võ văn Mừng-công chức địa chính xã Mỹ An cho hay, xã có 5ha trồng củ cải trắng ở ấp An Hưng, năng suất bình quân thu được 2,4-2,6 tấn/công/vụ, nếu chủ động được nước, chăm sóc tốt, không bị thúi củ có thể đạt từ 30-40 tấn/ha/vụ. Với bán được giá cao từ 9.000-10.000 đồng/kg thì doanh thu bình quân 250 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí nông dân còn lời (50-60% doanh thu).
...Và ít bị dội chợ, ế hàng
Thông thường, mặt hàng rau màu ở các tỉnh vùng ĐBSCL cho sản lượng lớn vào mùa khô, ở vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu, tập trung từ sau tết Nguyên đán kéo dài đến hết tháng 6, vì đây là thời gian mà điều kiện sản xuất rất thuận lợi bởi thời tiết khô ráo, lượng nước tưới dồi dào. Sau tết Nguyên đán, giá cả cũng sụt giảm mạnh nhất nhưng chủng loại rau, cải rất đa dạng, phong phú. Mùa cho sản lượng thấp nhất vào thời điểm trong và sau mùa lũ (từ tháng 9, tháng 10 đến giáp tết Nguyên đán) vì mưa dầm, lũ lụt kéo dài khó trồng rau.
Trong những năm gần đây, nhờ hệ thống phân phối thuận lợi nên nhiều mặt hàng rau cải có mặt ở hầu hết các chợ (rau nội lẫn rau ngoại). Tuy nhiên, nhiều tiểu thương ở các chợ cho hay, người tiêu dùng vẫn chuộng các mặt hàng rau cải nội địa hơn bởi vừa phù hợp với túi tiền và vừa phù hợp với khẩu vị, vả lại nhu cầu ăn rau trong dân càng tăng. Vì vậy dù lượng rau cải có bán ở chợ nhiều nhưng vẫn tiêu thụ được, không lo ế ẳm. Điều này có thể thấy trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, người dân cần tiêu dùng rau hơn so với trái cây!
Thời gian qua, nhờ tăng cường thực hiện các giải pháp công nghệ và thị trường nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là đảm bảo cơ bản các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nên nhiều mặt hàng rau cải sản xuất nội địa dần "xuất hiện" ở các siêu thị, chợ lớn, được người tiêu dùng sử dụng mạnh mẽ.
Theo ông Trần Văn Hiền- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Phước Hậu (xã Phước Hậu, Long Hồ), được sự hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, trang thiết bị phân tích các chỉ tiêu về môi trường, phân tích chất lượng sản phẩm rau an toàn của của chính quyền địa phương và ngành chức năng, HTX đã vận động xã viên ý thức hơn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và ứng dụng công nghệ mới, canh tác theo hướng thân thiện với môi trường nên sản phẩm rau màu của HTX ngày càng được thị trường ưa chuộng. Sản phẩm rau của HTX không chỉ tiêu thụ ở ở TP Vĩnh Long và TP Cần Thơ mà còn cung cấp cho Siêu thị Co.opMart, VinMart Vĩnh Long, Metro Cần Thơ.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng, nông dân cần nắm vững các yếu tố đầu ra (như thị trường, tiêu chuẩn hàng hóa, hợp đồng sản xuất và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm...) cho chắc chắn mới mở rộng sản xuất rau màu đại trà để tránh bị rủi ro./.
Thanh Hà