Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, lưu vực sông MeKong đã bước vào thời kỳ cao điểm của mùa kiệt năm 2021-2022. Dòng chảy thượng nguồn sông MeKong và ở đầu nguồn ĐBSCL có xu thế giảm.
Trong tuần đầu của tháng 2/2022, tại trạm Kratie (Campuchia), mực nước ổn định ở mức 7,2-7,4m, cao hơn mực nước trung bình nhiều năm (TBNN), mùa khô 2015-2016, 2019-2020 và 2020-2021 lần lượt là 0,52m, 0,56m, 0,82m, và 0,2 m nhưng thấp hơn mùa khô năm 2017-2018 là 0,7m với cùng thời điểm. Tại biển Hồ, dung tích hiện còn lại khoảng 5,18 tỉ m3, cao hơn 0,90, 2,64, 2,52 tỉ m3 lần lượt so với các mùa khô năm 2020-2021, 2019-2020, 2015-2016, nhưng thấp hơn 1,29 và 1,83 tỷ m3 so với TBNN và mùa khô 2017-2018 cùng thời kỳ. Tại Tân Châu và Châu Đốc, mực nước ở mức từ 1,56-1,7m.
Các hồ chứa thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế, tại thuỷ điện Cảnh Hồng lưu lượng xả về hạ lưu từ 23/1 đến nay trên dưới 700m3/s, tương đương với 1 tổ máy phát điện. Thời gian tới các hồ trên lưu vực sẽ còn tiếp tục xả nước hạn chế, do đó dòng chảy còn giảm nhanh là nguyên nhân có thể làm mặn xâm nhập sâu thêm.
Vùng giữa ĐBSCL (gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre) và các vùng cặp sông Tiền, sông Hậu có thể bị ảnh hưởng bởi triều cường đến tháng 2. Tháng 2, tháng 3, mặn với nồng độ 4g/l có thể xâm nhập sâu 50-65km làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước.
Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam khuyến cáo các địa phương cần có kế hoạch chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ, vận hành hệ thống công trình hợp lý, chuẩn bị các giải pháp ứng phó. Đồng thời tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước.
Thành Thặng