Viêm kết mạc không truyền nhiễm: Viêm kết mạc ở từng cá thể xảy ra do bị kích ứng bởi cỏ khô (đặc biệt nếu được cho ăn từ giá đỡ trên cao), bụi, gió, nắng chói, chấn thương cục bộ, dị vật trong kết mạc, hoặc do dị ứng.
Viêm kết mạc truyền nhiễm: Viêm kết mạc truyền nhiễm (‘mắt đỏ’ hay bệnh mắt truyền nhiễm) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc trưng bởi tình trạng viêm kết mạc và giác mạc ở một hoặc cả hai mắt.
Nguyên nhân: các yếu tố gây nguy hiểm bao gồm cỏ khô nhiều bụi, gió, nắng chói và bụi; gia súc đông; cỏ dài; ruồi.
Vi khuẩn: vi khuẩn hoạt động như những kẻ xâm lược thứ cấp, nơi tổn thương chính do các sinh vật nhỏ hơn gây ra, làm tăng mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh. Staphylococcus aureus, Escerichia coli và Branhamella ovis thường được phân lập từ cừu có mắt bị bệnh. Vi khuẩn Listeria monocytogenes gây ra viêm kết mạc (mắt nhiễm trùng) như một phần của hội chứng liên quan đến các dấu hiệu thần kinh hoặc sảy thai. Các cá thể dê đôi khi chỉ xuất hiện các tổn thương ở mắt - viêm kết mạc, rung giật nhãn cầu, mủ tiền phòng (hypopyon) và viêm nội nhãn. Bệnh giả lao Yersinia pseudotuberculosis là một nguyên nhân đáng kể gây bệnh cho dê, gây viêm ruột, viêm hạch mạc treo, nhiễm trùng huyết, viêm nhau thai/sót thai và viêm vú. Nó cũng gây ra bệnh về mắt - chảy mủ ở mắt, co thắt mi mắt, nhiễm khuẩn huyết, sung huyết kết mạc, đục giác mạc và tân mạch (neovascularisation).
Virus: viêm khí quản truyền nhiễm ở bò (IBR-infectious bovine rhinotracheitis) gây viêm kết mạc mủ ở dê. Lây truyền bệnh viêm kết mạc do ruồi và rận là những vật trung gian truyền bệnh. Dê mang mầm bệnh Mycoplasma spp. và C. Pecorum, dễ lây nhiễm và tiếp tục lây lan bệnh trong đàn và do khả năng miễn dịch kém, các cá thể dê có thể bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại. Tiếp xúc tại các buổi trình diễn động vật sẽ tạo điều kiện lây lan giữa các đàn. Tiếp xúc gần khi cho ăn hoặc thậm chí trên cỏ sẽ làm lây lan bệnh trong đàn. Sự lây nhiễm chéo xảy ra giữa cừu và dê.
Dấu hiệu lâm sàng: đây là vấn đề bầy đàn vì nó rất dễ lây lan. Dê Angoras bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các giống dê sữa; con già bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn, sau lần tiếp xúc trước đó. Viêm kết mạc với tăng huyết rõ rệt, chảy nước mắt nhiều và co thắt mi mắt, do đó con vật bị ảnh hưởng phải đứng nhắm mắt. Sau đó giác mạc bị mờ đục và giãn mạch máu; loét giác mạc trong những trường hợp nặng kèm theo chảy mủ ở mắt và có thể bị vỡ tiền phòng của mắt. Thị lực bị ảnh hưởng trong một số trường hợp nghiêm trọng, do đó con vật khó bú và suy nhược. Tình trạng đục giác mạc có thể tồn tại trong vài tuần. Lưu ý: thiếu coban, nhiễm độc iốt có thể gây chảy nước mắt nhiều, dễ bị nhầm lẫn với viêm kết mạc.
Điều trị: việc điều trị sẽ không loại bỏ được sinh vật trong mọi trường hợp, vì vậy động vật mang mầm bệnh sẽ vẫn tiếp tục lây nhiễm. Dùng thuốc mỡ tetracycline tại chỗ hàng ngày từ 5-6 ngày, cùng với tiêm bắp tetracycline tác dụng kéo dài (long-acting), thường có hiệu quả nếu bắt đầu sớm trong giai đoạn bệnh. Thuốc tiêm tetracycline tác dụng kéo dài có thể được sử dụng dự phòng cho phần còn lại của đàn.
Tiêm bổ sung oxytetracycline dưới kết mạc để đạt được nồng độ kháng sinh cao. Kết mạc có thể được gây mê bằng 0,5% proparacaine; liều tối đa là 0,5 ml tiêm vào kết mạc bằng kim tiêm cỡ 25. Có thể dùng thuốc an thần hoặc ức chế dây thần kinh tủy sống đối với những con hung dữ.
Tiêm dưới kết mạc kết hợp oxytetracycline và dexamethasone đã được sử dụng để điều trị nhiễm trùng Listerial. Thuốc fluoroquinolon, bao gồm danofloxacin và florfenicol dùng đường tiêm đã được sử dụng theo kinh nghiệm vì hiệu quả của những thuốc này trong điều trị bệnh hô hấp do Mycoplasma spp.
Tilmicosin sử dụng hiệu quả trên cừu, nhưng không nên sử dụng trên dê vì nó liên quan đến tỷ lệ chết cao ở dê. Những con vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên được nhốt riêng trong môi trường tối, nhưng dễ dàng tiếp cận thức ăn và nước uống. Với tình trạng viêm loét giác mạc nghiêm trọng, có thể dùng miếng dán mí thứ ba để bảo vệ giác mạc.
Các dị vật: các dị vật, chẳng hạn như hạt, mảnh vụn,… sẽ dẫn đến viêm kết mạc nặng và có thể loét giác mạc nếu không được điều trị. Các dị vật có thể nằm sau mí mắt thứ ba và cần được loại bỏ cẩn thận khi dê được giữ chặt. Nên tiêm thuốc an thần hoặc sử dụng thuốc gây tê tại chỗ như 0,5% proparacaine. Sau khi loại bỏ dị vật, điều trị như đối với viêm kết mạc nhiễm trùng.
Chấn thương giác mạc: giác mạc của dê thường bị chấn thương, thường do cọng cỏ khô hoặc rơm; các thẻ tai của dê Angora con có thể gây kích ứng mắt và mắt cũng sẽ bị tổn thương khi bị quặm. Điều trị bao gồm điều chỉnh hoặc loại bỏ nguyên nhân gây ra chấn thương và sau đó điều trị hậu quả là viêm kết mạc hoặc tổn thương giác mạc.
Điều trị: loét giác mạc đơn giản và các vết rách không xuyên thấu có thể được điều trị bằng thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ và nhỏ atropine 1%; atropine nên được sử dụng để làm đồng tử giãn vừa phải và ngừng ngay khi đạt được điều này và con vật cảm thấy thoải mái hơn.
Vạt mí mắt thứ ba có thể được sử dụng để hỗ trợ chữa bệnh; tạo ra một loại 'miếng che mắt' thay thế bằng cách dán một mảnh vải chống nước lên lông xung quanh vùng ảnh hưởng, sử dụng chất kết dính gia súc (cao động vật). Mắt cần được làm sạch và kiểm tra dị vật trước khi bọc giác mạc. Tiêm penicilin vào kết mạc giúp ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn.
Ngoài ra, có thể lấy máu từ con vật bị ảnh hưởng, để cho đông lại và gạn lấy huyết thanh, 0,5-1 ml huyết thanh được tiêm dưới kết mạc vào mỗi mắt bằng kim cỡ 23. Huyết thanh rò rỉ ra ngoài qua lỗ tiêm trong vài ngày tới, thúc đẩy quá trình chữa lành. Trong khi vết loét lành lại, mắt có thể được bảo vệ bằng cách khâu hai mí lại với nhau.
Lê Ngọc Hường_TTDVKTNN Vĩnh Long