
Theo số liệu thống kê, tổng diện tích lúa được xuống giống năm 2021 của huyện là 9.815ha, đạt 98% kế hoạch, năng suất bình quân 6,5 tấn/ha, sản lượng trên 64.000 tấn, đạt 98,3% kế hoạch, so với cùng kỳ tăng 422 tấn. Đối với cây màu, tổng diện tích gieo trồng cả năm là 18.033ha, đạt 76,4% kế hoạch, giảm gần 5.900ha so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích màu luân canh trên đất lúa 16.857ha, đạt 85,5% kế hoạch, giảm 4.600ha so với cùng kỳ, sản lượng đạt 531.000 tấn, so cùng kỳ giảm 132.000 tấn. Diện tích màu xuống giống ít hơn cùng kỳ do tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp, đặc biệt là khoai lang Tím Nhật nhiều thời điểm nông dân không bán được phải neo trên ruộng trong thời gian dài, một phần diện tích được người dân chuyển đổi từ trồng màu sang trồng cây ăn trái và người dân xả lũ thời gian dài hơn sơ với các năm trước.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, người dân còn cải tạo vườn kém hiệu quả 48,6ha, đạt 162% kế hoạch; lên líp lập vườn trồng mới 448ha, đạt 896% kế hoạch, so cùng kỳ nhiều hơn 278ha; nâng tổng diện tích vườn của huyện đến nay là 3.706ha, diện tích đang cho sản phẩm khoảng 2.800ha, sản lượng thu hoạch trong năm gần 52.000 tấn, đạt 97,5% kế họach, tăng 5.700 tấn so với cùng kỳ. Nhìn chung, với xu thế chuyển dịch cây trồng như hiện nay là cải tạo vườn kém hiệu quả thành vườn chuyên canh và lên liếp lập vườn mới trên đất trồng lúa, màu kém hiệu quả là đúng với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp được Huyện ủy, UBND huyện đang tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên, nông dân cần thận trọng chọn loại cây để trồng; khi chọn trồng cây gì phải nghiên cứu, am hiểu về đặc tính, kỹ thuật trồng, cũng như đầu ra cho sản phẩm phải đáp nhu cầu của thị trường để sản xuất bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với đó, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện Bình Tân gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, khiến giá cả thịt hơi xuống thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn. Mặt khác, do nông dân có tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, không kịp thích ứng với những điều kiện khách quan tác động trực tiếp đến hoạt động chăn nuôi, hạch toán kinh tế gia trại như giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, trong khi giá thịt hơi giảm mạnh. Còn đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích ao nuôi của huyện 88,4ha, trong đó tổng diện tích đang nuôi 81ha; diện tích nuôi mương vườn khoảng 185ha; tổng sản lượng nuôi trồng, khai thác đạt 21.200 tấn, đạt 77% kế hoạch, so cùng kỳ giảm 6.100 tấn.
Với kết quả đạt được, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản cuối năm 2021 của huyện Bình Tân đạt 3.347 tỷ đồng, giảm 9,3% so cùng kỳ, thấp hơn 11,9% so chỉ tiêu Nghị quyết. Từ những khó khăn trong năm 2021, sang năm 2022, huyện tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng giảm diện tích trồng lúa, tăng diện tích trồng màu và vườn cây ăn trái, cũng như nâng cao hiệu quả ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Địa phương sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp được UBND huyện thông qua ngay từ đầu năm nhằm giúp người dân khắc phục những khó khăn trong quá trình sản xuất; đặc biệt là bảo vệ sản xuất trong mùa mưa lũ, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong quá trình canh tác và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Dự báo năm 2022, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân sinh. Nhưng với quyết tâm được ngành nông nghiệp, cũng như UBND huyện đưa ra, huyện Bình Tân phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 tăng trưởng 3% so với năm 2021, ước đạt 3.448 tỷ đồng. Cụ thể, diện tích lúa xuống giống 10.000ha; cây màu 19.273ha; cải tạo 30ha vườn kém hiệu quả và lên liếp lập vườn mới 87ha; mở rộng số lượng đàn gia súc, gia cầm và ao nuôi thủy sản ven sông Hậu.
Huyện tập trung xây dựng các mô hình cho thu nhập cao để nhân rộng trong nhân dân, phấn đấu trên 80% diện tích đất nông nghiệp trong toàn huyện cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm; phát triển các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên rau cải các loại; duy trì và phát triển quy mô, mô hình triển vọng đã triển khai thực hiện trong các năm trước chuyển sang. Chú ý các mô hình VietGAP và GlobalGAP, mô hình trồng rau trong nhà lưới; tiếp tục tranh thủ với các Trung tâm, Viện, Trường Đại học, Công ty giống cây trồng, vật nuôi, Công ty phân, thuốc nông dược, thức ăn, thuốc thú y, thủy sản để tập huấn, hội thảo chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và trình diễn mô hình tiên tiến cho dân tham khảo, ứng dụng và huy động mọi nguồn lực để thực hiện các công trình thủy lợi vào những tháng đầu năm để phục vụ công tác chống hạn mùa khô, chống lũ mùa mưa, bảo vệ sản xuất của người dân, cũng như hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2022 đã đề ra.
Trung Thành