- Tên tiếng Anh: White fly.
- Tên khoa học: Aleurocybotus indicus
- Họ: Aleyrodidae
- Bộ Hemiptera (IRRI, 2010)
Trứng rầy phấn trắng có hình quả lê hơi thon dài, chiều dài trung bình 0,20 mm, chiều rộng trung bình 0,09 mm. Trứng có cuống gắn chặt vào bề mặt lá. Trứng mới đẻ có màu trắng đục, một ngày sau chuyển sang màu nâu nhạt và nâu đậm dần khi trứng gần nở. Thời gian trứng khoảng 6-8 ngày.

Trứng, nhộng giả và thành trùng rầy cánh phấn
Ấu trùng có 3 tuổi. Tuổi 1 có 3 đôi chân, di chuyển chậm. Tuổi 2 và tuổi 3 chân bị thoái hoá và sống cố định. Thời gian của ấu trùng khoảng 7-10 ngày. Ấu trùng tuổi 4 thường được gọi là “nhộng giả”. Thời gian từ nhộng giả đến vũ hoá khoảng 2-4 ngày
Khi vũ hóa, thành trùng chui ra từ phần đầu để lại trên vỏ nhộng vết nứt hình chữ T. Thành trùng sống và đẻ trứng tập trung chủ yếu ở mặt dưới của phiến lá, nhưng khi mật số cao, chúng có thể đẻ ở mặt trên của phiến lá và cả trên bẹ lá.
Sau khi vũ hoá, rầy phấn trắng có thể bắt cặp sau 10-20 phút và có thể đẻ trứng sau đó vài giờ. Thời gian từ khi vũ hóa đến khi đẻ trứng khoảng 1 -2 ngày. Con cái đẻ trứng trong suốt cuộc đời của nó, thời gian đầu đẻ liên tục sau đó đẻ thưa dần. Mỗi con cái có thể đẻ từ 7 – 100 trứng, trung bình là 35,87 trứng.
Triệu chứng gây hại
Rầy phấn trắng thường xuất hiện trong mùa khô. Chúng phát triển và gây hại nặng trong điều kiện nắng nóng, ẩm độ không khí thấp. Khi có mưa rào hoặc giông bão, mật số rầy phấn trắng giảm rõ rệt. Giai đoạn gây hại chủ yếu là ấu trùng ở tất cả giai đoạn của cây lúa. Trên ruộng lúa có hai triệu chứng do rầy phấn trắng gây hại.
- Lá bị biến màu: Rầy phấn trắng gây hại bằng cách chích hút hút nhựa lá làm cho lá lúa bị úa vàng và héo dần đi. Nếu mật số cao, lá sẽ vàng, héo và cây sẽ chết nhanh. Bên cạnh đó, trên lá cũng xuất hiện nấm bồ hóng cản trở sự phát triển của cây, cây còi cọc và chết sớm.
- Lá bị biến dạng: Rầy phấn trắng cũng làm lá lúa bị biến dạng. Lá bị xoắn (gần giống với lùn xoắn lá). Triệu chứng xoắn lá chỉ xuất hiện sau khi cây lúa bị rầy phấn trắng tấn công khoảng 2 tuần trở đi. Nếu bị nhẹ, lá chỉ dợn sóng, còn bị nặng lá sẽ xoắn tít lại không thể quang hợp được.

Triệu chứng gây hại của rầy phấn trắng Aleurocybotus indicus
Các biện pháp quản lý rầy phấn trắng
Biện pháp canh tác:
- Sau khi thu hoạch lúa, cần diệt sạch cỏ lồng vực và cỏ chỉ xung quanh ruộng để hạn chế nơi cư trú của rầy phấn trắng tránh lây lan sang vụ sau.
- Cần phải gieo sạ tập trung, đồng loạt, áp dụng gói kỹ thuật 3 giảm 3 tăng hoặc 1 phải 5 giảm để giảm áp lực gây hại.
- Thường xuyên chăm sóc cây lúa phát triển tốt giúp cây tăng sức chống chịu. Khi lúa bị nhiễm nặng cần phải giữ mực nước ruộng ổn định trong ruộng lúa để giúp cây lúa nhanh hồi phục.
Biện pháp sinh học
- Trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch để bảo vệ ruộng lúa.
- Không phun thuốc trừ sâu trước 40 ngày sau khi sạ để giúp cân bằng hệ sinh thái
Biện pháp hoá học
Phun thuốc khi rầy phấn trắng có mật số cao, khoảng 15-20 con/dảnh hoặc 5 ấu trùng/lá. Nên phun thuốc vào lúc chiều mát vì rầy phấn trắng thường vũ hóa vào lúc xế chiều. Hạ vòi phun xuống dưới tán lá lúa để đảm bảo thuốc tiếp xúc được với rầy phấn trắng và bám dính vào mặt dưới của lá nhằm tăng hiệu quả của thuốc đối với ấu trùng.
Kiểm tra lại diện tích đã phun thuốc để kịp thời có biện pháp xử lý triệt để. Có thể phun lặp lại nếu mật số ấu trùng/lá không giảm hoặc cao hơn sau khi phun thuốc lần đầu 3 đến 5 ngày .
Huy Thảo- Chi cục Trồng trọt và BVTV
(Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật)