
ảnh: trà lúa chắc xanh tại huyện Vũng Liêm
* Sâu bệnh trên lúa Hè Thu 2022: Diện tích nhiễm trong tuần 3.002 ha, gây hại trên trà lúa từ làm đòng đến chắc xanh, giảm 564 ha so với tuần trước do nông dân phòng trị kịp thời và lúa trên đồng đang vào thời điểm thu hoạch rộ. Tình hình sinh vật hại diễn biến như:
- Đạo ôn: diện tích nhiễm 1.219 ha, giảm 314 ha so với tuần trước. Trong đó:
+ Đạo ôn lá (cháy lá): diện tích nhiễm 914 ha, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, gây nhiễm chủ yếu trên trà lúa đòng trổ. Phân bố rải rác các huyện trong tỉnh.
+ Đạo ôn cổ bông (thối cổ gié): diện tích nhiễm 305 ha, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, trên trà lúa trổ chín. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ; Trà Ôn.
-Lem lép hạt: diện tích nhiễm là 291 ha, tăng 49 ha so với tuần trước, với tỷ lệ nhiễm phổ biến 5-10%, gây hại trên trà lúa trổ chín. Phân bố tại huyện rải rác các xã của huyện Long Hồ; Bình Tân; Mang Thít.
- Vàng lá chín sớm: diện tích nhiễm là 494 ha, tăng 214 ha so với tuần trước, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, gây nhiễm trên trà lúa đòng đến trổ. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ; Trà Ôn.
- Chuột: Diện tích nhiễm 218 ha, tăng 46 ha so với tuần trước, với tỷ lệ thiệt hại phổ biến 5-10 %, gây hại trên trà lúa trổ chín. Phân bố rải rác các xã tại các huyện Vũng Liêm; Trà Ôn; Bình Tân.
* Sâu bệnh trên lúa Thu Đông 2022 sớm: Diện tích nhiễm trong tuần 494 ha, giảm 1 ha so với tuần trước. Tình hình dịch hại diễn biến như sau:
- Bệnh đạo ôn lá (cháy lá): Diện tích nhiễm 223 ha, tăng 83 ha so với tuần trước, gây hại trên trà lúa đẻ nhánh, với tỷ lệ nhiễm 5-10%. Phân bố tại huyện Trà Ôn; Vũng Liêm.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Diện tích nhiễm 27 ha, giảm 121ha so với tuần trước trên trà lúa đẻ nhánh. Với mật số phổ biến 10-20 con/m2. Phân bố huyện Vũng Liêm; Trà Ôn.
- Ốc bươu vàng (OBV): Diện tích nhiễm 83 ha, giảm 76 ha so với tuần trước, gây hại trên trà lúa mạ với mật số 2-4 con/m2. Phân bố tại huyện Trà Ôn (xã Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Vĩnh Xuân); Long Hồ (Tân Hạnh, Thanh Đức); Vũng Liêm (xã Quới An, Tân Quới Trung).
* Dự báo sinh vật gây hại trong thời gian tới (24/6-01/7/2022):
Lúa vụ Hè Thu
- Đạo ôn cổ bông, lem lép hạt: tuần tới có thể gia tăng diện tích, tỷ lệ nhiễm do điều kiện thời tiết hiện nay nắng nóng, xen kẽ mưa lớn kéo dài, ẩm độ không khí khá cao thích hợp cho bệnh phát triển trên lúa giai đoạn trổ đến chắc xanh trên lúa Hè Thu muộn.
- Chuột: tiếp tục gây hại mạnh, đặc biệt trên những mảnh ruộng gần chân vườn, rẫy, ruộng có gò cao, ven đường, bãi hoang, gần khu dân cư, các ruộng gieo sạ không tập trung. Do đó, bà con nông dân cần chủ động có biện pháp xử lý thích hợp, tránh sử dụng thuốc hóa học có độ độc cao gây hại cho con người và môi trường.
Lúa vụ Thu Đông
- Rầy nâu: Dự báo trong tuần tới trên đồng xuất hiện phổ biến rầy nâu rầy (tuổi 3,4) gây hại chủ yếu ở mức nhẹ trà sớm giai đoạn mạ vụ Thu Đông 2022 sớm.
- Sâu cuốn lá: Có khả năng xuất hiện rãi rác và gây hại ở mức độ nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh. Chú ý những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, phun thuốc trừ sâu sớm đầu vụ có khả năng bị hại ở mức trung bình.
- Thối gốc thân do vi khuẩn, cháy bìa lá, đốm vằn, đạo ôn lá: do ảnh hưởng thời tiết mưa kéo dài bệnh sẽ tiếp tục phát triển, nhiễm nhẹ trên trà lúa đẻ nhánh, đặc biệt là những ruộng bón thừa đạm, không chủ động rút được nước.
Ngoài ra cần chú ý OBV, bọ trĩ ở giai đoạn lúa mới gieo sạ, muỗi hành ở giai đoạn đẻ nhánh, bệnh đốm vằn, cháy bìa lá ở giai đoạn đòng trổ.
* Một số biện pháp quản lý-canh tác trên cây lúa:
- Những diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch xong cần vệ sinh đồng ruộng, xử lý nấm Trichoderma giúp rơm rạ mau phân hủy nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ; theo dõi diễn biến rầy di trú để có kế hoạch xuống giống lúa Thu Đông tập trung “né rầy” hiệu quả theo lịch khuyến cáo của địa phương. Áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ nhằm quản lý tốt các đối tượng gây hại như: ốc bươu vàng, bọ trĩ (bù lạch), chuột, cỏ dại, … Thời tiết hiện nay nắng mưa xen kẽ thích hợp cho bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục phát sinh phát triển trên lúa Hè Thu muộn và đạo ôn lá trên lúa Thu Đông sớm.
- Hiện tại ngoài đồng phổ biến rầy tuổi 2,3 nhiễm chủ yếu với mật số thấp 300-500con/m2. Cần chủ động thăm đồng, theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu trên các trà lúa vụ Thu Đông sớm. Khuyến cáo nông dân chỉ nên xử lý thuốc đặc trị khi rầy đang tuổi 2-3 và mật số rầy >3.000 con/m2 cần sử dụng một trong những loại thuốc chống lột xác để phun trừ, chú ý không kết hợp với các loại thuốc phổ rộng để tránh nguy cơ bộc phát rầy ở giai đoạn sau.
- Để phòng trị bệnh thối thân đạt hiệu quả cao cần áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác sau: vệ sinh đồng ruộng kỹ, hạn chế canh tác giống nhiễm. Khi thấy có vài cây mới bị bệnh cần tháo cạn nước trên ruộng để loại bỏ nguồn vi khuẩn và hạn chế lây lan, rãi vôi bột 20-25kg/1.000m2), sử dụng thuốc trừ vi khuẩn. Ngưng ngay việc bón phân đạm, tăng cường bón phân có chứa chất Silic, Canxi, tuyệt đối không kết hợp phun phân bón lá có chứa đạm kết hợp với thuốc trừ bệnh. Cần luân phiên các loại thuốc để đạt hiêu quả cao hơn.
Lê Thị Chính - Chi cục Trồng trọt & BVTV