
ảnh: trà lúa chắc xanh đổ ngã tại huyện Vũng Liêm
* Sâu bệnh trên lúa Hè Thu 2022: Diện tích nhiễm trong tuần 2.607 ha, gây hại trên trà lúa từ đòng trổ đến chắc xanh, giảm 304 ha so với tuần trước. Tình hình sinh vật hại diễn biến như sau:
- Đạo ôn: diện tích nhiễm 782 ha, giảm 218 ha so với tuần trước. Trong đó:
+ Đạo ôn lá (cháy lá): diện tích nhiễm 255 ha, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, gây nhiễm chủ yếu trên trà lúa đòng trổ. Phân bố rải rác các xã huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Long Hồ.
+ Đạo ôn cổ bông (thối cổ gié): diện tích nhiễm 527 ha, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, nơi cao nhiễm 70-80% với diện tích 0,4 ha tại xã Đông Thạnh TX.Bình Minh, gây nhiễm trên trà lúa trổ chín. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ; Vũng Liêm; Mang Thít; Trà Ôn; TX.Bình Minh.
- Lem lép hạt: diện tích nhiễm là 797 ha, tăng 76 ha so với tuần trước, với tỷ lệ nhiễm phổ biến 5-10%, gây hại trên trà lúa trổ chín. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ; Mang Thít; Vũng Liêm; TX.Bình Minh.
- Chuột: Diện tích nhiễm 233 ha, giảm 12 ha so với tuần trước, với tỷ lệ thiệt hại phổ biến 5-10 %, gây hại trên trà lúa trổ chín. Phân bố rải rác các xã tại các huyện Vũng Liêm; Trà Ôn.
* Sâu bệnh trên lúa Thu Đông 2022: Diện tích nhiễm trong tuần 614 ha, tăng 127ha so với tuần trước. Tình hình dịch hại diễn biến như sau:
- Rầy nâu: Diện tích nhiễm 17 ha, tăng 10 ha so với tuần trước gây nhiễm trên trà lúa đẻ nhánh. Với mật số dao động 300-500 con/m2. Phân bố rải rác các xã huyện Trà Ôn.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Diện tích nhiễm 28 ha, giảm 6 ha so với tuần trước trên trà lúa đẻ nhánh. Với mật số phổ biến 10-20 con/m2. Phân bố huyện Tam Bình (xã Phú Thịnh, Bình Ninh, Ngãi Tứ); Trà Ôn (xã Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Vĩnh Xuân).
- Bệnh đạo ôn lá (cháy lá): Diện tích nhiễm 194 ha, giảm 19 ha so với tuần trước, gây hại trên trà lúa đẻ nhánh, với tỷ lệ nhiễm 5-10%. Phân bố tại các huyện Long; Trà Ôn; Tam Bình; Vũng Liêm.
- Cháy bìa lá (bạc lá): diện tích nhiễm là 213 ha, tăng 98 ha so với tuần trước, với tỷ lệ phổ biến 6-12%, gây nhiễm trên trà lúa làm đòng. Phân bố rải rác các xã tại huyện Vũng Liêm (xã Trung Thành Tây, Trung Chánh, Quới An); Mang Thít (xã An Phước).
* Dự báo sinh vật gây hại trong thời gian tới (15/7-22/7/2022)
Đối với lúa vụ Hè Thu
Bệnh đạo ôn- lem lép hạt: Diện tích và mức nhiễm nhẹ có thể tăng do điều kiện thời tiết mưa nhiều và giai đoạn lúa thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển, đặc biệt lưu ý trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm như: ML202, IR 50404, OM 5451, Đài thơm 8,… có thể nhiễm trung bình. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông (thối cổ gié) và lem lép hạt cần phun ngừa bệnh 02 thời điểm: lúc lúa trổ lẹt xẹt (khoảng 5%) và phun lại lúc lúa trổ đều.
Đối với lúa vụ Thu Đông
- Rầy nâu: Dự báo trong tuần tới trên đồng xuất hiện phổ biến rầy trưởng thành và rầy cám mới nở (tuổi 1) gây hại chủ yếu ở mức nhẹ trên trà lúa mạ đến làm đòng.
- Sâu cuốn lá: Có khả năng xuất hiện rãi rác và gây hại ở mức độ nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh- đòng trổ. Chú ý những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, phun thuốc trừ sâu sớm đầu vụ có khả năng bị hại ở mức trung bình.
- Bệnh đạo ôn lá: Diện tích và tỷ lệ nhiễm nhẹ có thể tăng do điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ và giai đoạn lúa thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển, đặc biệt lưu ý trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm như: ML202, IR 50404, OM 5451, Đài thơm 8,… có thể nhiễm trung bình.
- Bệnh cháy bìa lá do vi khuẩn: do ảnh hưởng thời tiết mưa kéo dài bệnh sẽ tiếp tục phát triển, nhiễm nhẹ trên trà lúa đẻ nhánh, đặc biệt là những ruộng bón thừa đạm, không chủ động rút được nước.
Ngoài ra cần chú ý OBV, bọ trĩ ở giai đoạn lúa mới gieo sạ, muỗi hành ở giai đoạn đẻ nhánh, bệnh đốm vằn ở giai đoạn đòng trổ.
* Một số biện pháp quản lý-canh tác trên cây lúa.
- Những diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch xong cần vệ sinh đồng ruộng, xử lý nấm Trichoderma giúp rơm rạ mau phân hủy nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ; theo dõi diễn biến rầy di trú để có kế hoạch xuống giống lúa Thu Đông tập trung “né rầy” hiệu quả theo lịch khuyến cáo của địa phương. Áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ nhằm quản lý tốt các đối tượng gây hại như: ốc bươu vàng, bù lạch, chuột, cỏ dại, …
- Điều kiện thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao kết hợp cùng giai đoạn lúa thích hợp cho sâu bệnh phát sinh và gây hại mạnh. Vì vậy, bà con cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đặc biệt đối với bệnh hại như đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt…khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh bà con ngưng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá. Tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh.
- Để phòng trị bệnh thối thân, cháy bìa lá đạt hiệu quả cao cần áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác sau: vệ sinh đồng ruộng kỹ, hạn chế canh tác giống nhiễm. Cần tháo cạn nước trên ruộng để loại bỏ nguồn vi khuẩn và hạn chế lây lan, rãi vôi bột 20-25kg/1.000m2). Sử dụng thuốc trừ vi khuẩn. Ngưng ngay việc bón phân đạm, tăng cường bón phân có chứa chất Silic, Canxi, tuyệt đối không kết hợp phun phân bón lá có chứa đạm kết hợp với thuốc trừ bệnh. Cần luân phiên các loại thuốc để đạt hiêu quả cao hơn.
- Khuyến cáo nông dân phải tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách khi phun thuốc, thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để đúng nơi quy định nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Lê Thị Chính - Chi cục Trồng trọt & BVTV