Nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh do nấm Sphaceloma batatas Sawada gây ra.
Khoai lang trồng nơi đất thấp, đất thịt nặng rất dễ bị nhiễm bệnh. Khoai lang trồng đất bãi có mức độ nhiễm bệnh lớn hơn nhiều so với đất ruộng trồng luống.
Nấm bệnh lan truyền trên đồng ruộng nhờ vào nhiều yếu tố nhưng chủ yếu do cọ sát, tiếp xúc các vết thương giữa thân và lá, do mưa, do côn trùng và việc sử dụng dây khoai lang nhiễm bệnh làm giống.
Bệnh gây hại tập trung trong vụ xuân hè, giai đoạn 50- 60 ngày sau trồng bị nhiễm nặng nhất.
Giống nhiễm bệnh: Hầu hết các giống ở địa phương đều nhiễm bệnh.
Triệu chứng bệnh.
Bệnh gây hại chủ yếu ở phần thân và lá của cây. Vết bệnh màu trắng xám sau chuyển sang nâu nhạt. Kích thước vết bệnh nhỏ hình tròn hoặc hình bầu dục dài về sau bề mặt vết bệnh sần sùi, màu nâu xám hay nâu tối.
Các vết bệnh có thể liên kết với nhau tạo thành vệt hoặc từng đám trên thân và cuống lá.

Ở mặt dưới lá vết bệnh thường tụ lại thành đám nhỏ trên những gân chính làm lá bị co tóp lại, thân và cuống lá teo nhỏ và cong queo. Triệu chứng dị hình do bệnh ghẻ gây ra gần giống với bệnh vi rút ở phần thân, lá khoai lang.
Biện pháp phòng trừ:
Phòng trừ bệnh ghẻ khoai lang chủ yếu bằng các biện pháp canh tác và kỹ thuật trồng.
- Sử dụng nguồn giống sạch bệnh, loại bỏ toàn bộ cây bệnh không dùng để làm giống.
- Lên luống cao để trồng.
- Mật độ gieo trồng vừa phải, tránh trồng dầy.
- Bón phân cân đối hạn chế bón thừa phân đạm nhất là vào giai đoạn cây được trồng 50 – 60 ngày.
- Khi phát hiện ổ bệnh đầu tiên trên đồng ruộng, nhổ đem ra khỏi ruộng để tiêu hủy và có thể dùng thuốc chứa hoạt chất Difenoconazole (Score 250ND) hoặc Hexaconazole (Anvil 5EC) để phun. Phun ướt đều thân và lá, đặc biệt là những vị trí khuất phía trong tán lá.
Hồng Thắm – Bình Tân