
Tổ chức thành công Đại hội Thể dục-Thể thao huyện Trà Ôn lần thứ IX năm 2021-2022
Cách đây hơn 72 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau là chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội”. Tư tưởng chỉ đạo, chủ trương xuyên suốt mà Đảng ta đã đề ra trong nhiều nhiệm kỳ qua là “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”. Thấm nhuần và cụ thể hóa những chủ trương lớn của Đảng, huyện Trà Ôn đã và đang tiếp tục dành sự quan tâm, đầu tư cho phát triển văn hóa để xây dựng văn hóa thực sự vừa là nền tảng tinh thần, vừa là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững của huyện.
Hơn 10 năm thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, các vùng quê của huyện có sự thay da đổi thịt rõ nét. Trong thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí liên quan tới đời sống văn hóa tinh thần được các xã quan tâm, các tổ chức chính trị cơ sở vào cuộc quyết liệt tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia với rất nhiều thay đổi trong phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, xây dựng nếp sống và con người nông thôn. Kết quả, đến nay toàn huyện có 08/13 xã đạt nông thôn mới (Hựu Thành, Hòa Bình, Tích Thiện, Thới Hòa, Thiện Mỹ, Xuân Hiệp, Thuận Thới, Phú Thành), riêng xã Hựu Thành, Xuân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đạt 01 ấp nông thôn mới kiểu mẫu Vĩnh Hựu; giữ vững thị trấn Trà Ôn đạt văn minh đô thị; các xã còn lại đạt từ 13 đến 17 tiêu chí.
Đặc biệt, trong phong trào xây dựng ấp văn hóa, khu dân cư văn hóa đang diễn ra sôi nổi và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trên địa bàn huyện. Xây dựng ấp văn hóa là nội dung chính trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các xã của huyện. Với yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố và hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao; tạo lập cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; giữ gìn thuần phong mỹ tục, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh..., công tác xây dựng ấp văn hóa được các xã và Ban Chỉ đạo huyện hết sức chú trọng. Về Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với “Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” tiếp tục duy trì và phát triển, đến nay toàn huyện có 36.952/38.261 hộ gia đình đạt văn hóa, chiếm 96,57%, tăng 923 hộ so với năm 2021; 90/90 ấp khu đạt văn hóa, chiếm 100%; 198/204 cơ quan, đơn vị đạt văn hóa, chiếm 97,05%. Việc tôn tạo, giữ gìn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa được quan tâm trùng tu, sửa chữa phản ánh nét văn hóa của người Việt Nam, nhằm hướng đến cái đẹp, chân – thiện – mỹ. Đặc biệt, trong xây dựng ấp, khu văn hóa đã kết hợp lồng ghép và phát huy tốt vai trò của Tổ NDTQ thông qua các cuộc họp tổ hàng tháng, thu hút nhiều người tham gia đóng góp xây dựng cho từng gia đình ngày càng hoàn thiện hơn, tình làng nghĩa xóm ngày một tốt hơn. Hiệu quả của phong trào này đã tạo được môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, đời sống vật chất và tinh thần ở khu dân cư ngày càng nâng lên; Kịp thời thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, đến nay đã giảm 1,46% hộ nghèo, đạt 134% kế hoạch; giảm 3% hộ Khmer nghèo, đạt 100% kế hoạch.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng việc duy trì phát triển loại hình đờn ca tài tử, một loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các xã, thị trấn luôn củng cố, thành lập câu lạc bộ đờn ca tài tử và sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện đã tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử-ca ra bộ và trích đoạn cải lương; xây dựng nhiều kịch bản tuyên truyền đưa thông tin về cơ sở dưới hình thức sân khấu hóa đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần và gìn giữ văn hóa của cha ông. Hằng năm, huyện còn tổ chức nhiều giải thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, việt dã, điền kinh, võ thuật, đua xe đạp tay cầm ngang, bơi lội,... Các câu lạc bộ thể thao đã được hình thành và phát triển. Việc chú trọng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới luôn được huyện quan tâm thực hiện, nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, …. trên địa bàn huyện, từ đó tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng cho thế hệ trẻ./.
Chí Hiếu