
Năm 2020, chương trình phát triển sản phẩm OCOP được đưa vào chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Vĩnh Long lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây được xem là một căn cứ quan trọng đã chính thức nâng tầm sự quan tâm cũng như quyết tâm của thành phố Vĩnh Long trong việc triển khai chương trình. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chỉ tiêu trên, UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 16/KH-UBND, ngày 16/3/2021 Triển khai thực hiện Chương trình OCOP thành phố Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” là một chương trình trọng điểm của thành phố, do đó với mong muốn nâng cao nhận thức về chương trình, đồng thời huy động sự vào cuộc của toàn bộ các ban ngành, đoàn thể, hệ thống chính trị và địa phương trên địa bàn, nhằm hoàn thành mục tiêu chung của thành phố. Ngày 11 tháng 3 năm 2022 thành phố Vĩnh Long đã mời chuyên gia OCOP để tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Vĩnh Long bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp, đối tượng tham gia là lãnh đạo ban ngành thành phố, BCH Đảng bộ 11 phường và cán bộ phụ trách OCOP các phường trên địa bàn thành phố Vĩnh Long, với mục đích để mọi người hiểu rằng OCOP là gì? Tại sao phải làm OCOP? Làm OCOP như thế nào? Kết quả có 150 đại biểu tham dự, qua đó nhằm làm thay đổi nhận thức, cách tiếp cận mới về phát triển kinh tế của các cấp chính quyền địa phương, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của người đứng đầu các cấp có tính chất quyết định đến kết quả, hiệu quả thực hiện Chương trình. Thực tế cho thấy, nơi nào người đứng đầu địa phương thật sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì nơi đó đạt kết quả tốt và ngược lại.
Qua 3 năm thực hiện thành phố có 10 chủ thể với 17 sản phẩm được tỉnh chứng nhận OCOP trong đó có 9 sản phẩm 3 sao, 8 sản phẩm 4 sao. Chương trình OCOP thời gian qua đã mang lại kết quả tích cực cho các chủ thể sản xuất trên địa bàn thành phố. Sản phẩm Bánh cốm Xuân Phượng, Chả Giò Thành Phát, Rau Câu Vinh Quang được ngành tỉnh hỗ trợ thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc….đảm bảo về chất lượng. Chương trình OCOP đã khuyến khích, khơi dậy sáng tạo, chuyển giao công nghệ trong sản xuất thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công. Các chủ thể được tư vấn, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để sản xuất sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có mẫu mã bao bì đẹp đáp ứng yêu cầu thị trường. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thị trường thương mại điện tử đã trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các cơ sở doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mang đến cơ hội mới từ phía nhu cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua hàng truyền thống sang mua hàng qua các kênh thương mại điện tử. Cụ thể, toàn thành phố đã có 80% sản phẩm được bán qua các sàn thương mại điện tử như Postmart, sàn giao dịch nông sản Vĩnh Long,..., góp phần nâng cao thu nhập cho các chủ thể cho thấy việc ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số đã góp phần tăng doanh thu cho các chủ thể.
Bên cạnh những kết quả nổi bật thành phố Vĩnh Long trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP bộc lộ một số tồn tại như sau:
Thứ nhất, Những vấn đề nãy sinh trong quá trình thực hiện chương trình OCOP chủ yếu tập trung vào các bước tuyên truyền, hướng dẫn và nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm, cán bộ cấp xã thực hiện công tác tuyên truyền đến các chủ thể, phát và hướng dẫn các chủ thể thực hiện biễu mẫu số 1 và số 2 về đăng ký ý tưởng sản phẩm mới và sản phẩm đã có. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cán bộ cấp xã chưa nhận thức được quy định và lợi ích của chương trình và trách nhiệm của mình chủ yếu đề xuất sản phẩm, các bước thực hiện còn lại đều là cán bộ thành phố thực hiện.
Thứ hai, Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ, phát triển và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm theo quy định. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba, Một số cơ sở sản xuất OCOP quy mô còn nhỏ, tính hàng hóa chưa cao, do vậy đã tác động đến phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Các sản phẩm đánh giá thời gian qua đa số là sản phẩm sẵn có, còn các sản phẩm và ý tưởng mới chưa được các địa phương quan tâm phát triển.
Vì vậy, định hướng tới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng về chương trình OCOP, nhất là cần hiểu đúng và đầy đủ về quan điểm, định hướng của chương trình, khuyến khích các chủ thể sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất chế biến, bảo quản nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm. Song song đó, cần ban hành khung chính sách hỗ trợ cụ thể cho các sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận. Kịp thời tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho chương trình OCOP, nhất là khen thưởng cho các chủ thể có sản phẩm từ 3 sao trở lên. Đồng thời xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của chu trình. Từng bước đưa công nghệ số vào các chương trình tập huấn, từ vấn đề thiết kế, quảng bá, giới thiệu, kết nối; hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các chủ thể từ vấn đề kiến thức tổng quan về chuyển đổi số đến kỹ năng, năng lực về chuyển đổi số, ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá mẫu mã, bao bì, thiết kế; trên cơ sở đó sẽ cung cấp và số hóa các dữ liệu, nâng cao kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử đồng hành cùng các chủ thể nâng tầm sản phẩm OCOP bởi vì sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ và quá trình chuyển đổi số trên toàn cầu đặt ra cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia. Những tác động của đại dịch Covid-19 được xem là chất xúc tác cho các chủ thể ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế số. Đây chính là đòn bẩy giúp chủ thể mở rộng cơ hội sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế địa phương./.
BBT – Nguồn: Bản tin NNNT