
Đoàn khảo sát, đánh giá tiêu chí tại xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức
Theo đó, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao gồm: 19 tiêu chí, có 57 chỉ tiêu và 19 tiêu chí, 75 chỉ tiêu. Các Sở, ngành tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh phân công phụ trách cụ thể từng tiêu chí, chỉ tiêu thuộc các Bộ tiêu chí và Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách tương ứng 03 tiêu chí, có 10 chỉ tiêu và 04 tiêu chí, có 21 chỉ tiêu.
Tính đến 31/12/2021, các tiêu chí, chỉ tiêu về thủy lợi; tổ chức sản xuất; môi trường và an toàn thực phẩm tại các 87 xã trên đại bàn tỉnh do Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách đều đạt từ 82 trở lên, cụ thể:
- Tiêu chí về Thủy lợi: 87/87 xã đạt;
- Tiêu chí về Tổ chức sản xuất: 82/87 xã đạt;
- Chỉ tiêu 17.1 về Nước sạch: 87/87 xã đạt;
- Chỉ tiêu 17.8 về An toàn thực phẩm: 83/87 đạt.
Nhằm mạng lại hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới cấp ấp. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Để góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh và giúp các huyện, thị xã sớm đạt các nội dung tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới thuộc phạm vi quản lý của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 264/QĐ-SNN&PTNT, ngày 08/7/2022 về phân công các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Theo Quyết định, nhiệm vụ hướng dẫn, đánh giá mức độ đạt các tiêu chí, chỉ tiêu của Ngành được phân công cho 06 đơn vị của cả xã nông thôn mới và xã nông thôn mới nâng cao, gồm có:
- Chi cục Thủy lợi, 12 chỉ tiêu;
- Chi cục Phát triển nông thôn, 05 chỉ tiêu;
- Chi cục Kiểm lâm và Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản, 06 chỉ tiêu;
- Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, 02 chỉ tiêu và 01 phần chỉ tiêu 17.7;
- Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản, 02 chỉ tiêu và 01 phần chỉ tiêu 17.7;
- Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, 03 chỉ tiêu.
Căn cứ Quyết định số 1680/QĐ-BNN-VPĐP, ngày 11/5/2022, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới/xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới/huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được phân công phụ trách chỉ tiêu, tiêu chí của Ngành, hướng dẫn thực hiện các nội dung của thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới theo dõi và tổng hợp các nội dung và tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn đến các huyện, thị xã triển khai thực hiện (theo Công văn số 983/SNN&PTNT-NTM, ngày 26/7/2022).
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2022 đặc biệt các tiêu chí, chỉ tiêu thuộc phạm vi quản lý của Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị và địa phương cần chú trọng các nhiệm vụ sau:
(1) Chủ động phối hợp với các Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới các huyện, thị xã hỗ trợ, hướng dẫn địa phương thực hiện đạt yêu cầu của chỉ tiêu.
(2) Thực hiện triển khai lồng ghép với các Chương trình, kế hoạch triển khai dự án, tổng kết dự án, các kỳ họp hằng tháng tại địa phương.
(3) Hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai cấp xã, huyện, đảm bảo bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
(4) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả có cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, phát triển mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển mạnh mẽ ngành nông thôn, nâng cao hiệu quả các hợp tác xã, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn…góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững.
(5) Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đảm bảo vệ sinh môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cải thiện vệ sinh hộ gia đình./.
Công Khánh – Văn phòng ĐP Nông thôn mới Vĩnh Long