Theo báo cáo về tình trạng mua bán người toàn cầu do Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc công bố, số nạn nhân mua bán người tăng liên tục qua từng năm dưới nhiều hình thức, trong đó 50% bị bóc lột tình dục, 38% lao động cưỡng bức và một số trở thành nạn nhân của các hoạt động phi pháp khác.
Ở nước ta, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6/2021, đã phát hiện xảy ra gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước đã phát hiện, điều tra 33 vụ, 75 đối tượng phạm tội mua bán người trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, nạn nhân của tình trạng mua bán người không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà còn có nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê.... Nạn nhân đã bị mua bán bằng những thủ đoạn tinh vi, dẫn đến bị bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, kết hôn ngoài ý muốn… Những hành vi này ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe của nạn nhân và gia đình, đặc biệt là đối với phụ nữ, trẻ em, gây nên những bất ổn trong xã hội.
“Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người -30/7” năm 2022 với chủ đề được Liên hợp quốc xác định là: "Sử dụng và lạm dụng không gian mạng” nhằm khuyến nghị tăng cường hoạt động phòng ngừa và nâng cao nhận thức về sử dụng Internet và mạng xã hội an toàn, giúp giảm nguy cơ mua bán người trên không gian mạng, đồng thời tăng cường hợp tác nhằm phát triển các giải pháp bền vững dựa trên công nghệ để hỗ trợ phòng, chống mua bán người.
Hưởng ứng chiến dịch trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2022 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long với mục tiêu: thông qua công tác lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về pháp luật phòng, chống mua bán người đến công chức, viên chức, người lao động theo trong các lĩnh vực như: xuất cảnh trái phép, cho nhận con nuôi, cho, hiến tạng, xuất khẩu lao động có yếu tố nước ngoài, kết hôn với người nước ngoài, môi giới kết hôn với người nước ngoài,... Tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động; về cách thức nhận biết, biện pháp phòng ngừa; về đường dây nóng phòng, chống mua bán người (Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111). Từ đó, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và ý thức cảnh giác của công chức, viên chức, người lao động trong chủ động phòng ngừa, cũng như tích cực tham gia các hoạt động về phòng, chống mua bán người đạt hiệu quả, thiết thực, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người trong quần chúng nhân dân.
Ủy ban nhân dân tỉnh xác định, công tác phòng chống mua bán người là nhiệm vụ của cả cộng đồng, mỗi người dân cần tự giác, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng; nâng cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân trước những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Yến Thanh