
Trong đó cam sành có diện tích 8.146,7 ha được xem là cây ăn trái chủ lực chính của huyện, được trồng phổ biến ở 13/13 xã, trong này, cam sành của Hợp tác xã Phương Thúy được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đạt chứng nhận VietGap năm 2019.
Riêng cây chôm chôm chiếm diện tích 456 ha, chiếm trên 33% diện tích chôm chôm toàn tỉnh. Đây là cây ăn trái truyền thống, sản phẩm từng đạt nhiều giải thưởng tại các Hội thi trái ngon trong và ngoài tỉnh, đạt chứng nhận GlobalGap năm 2011.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của các Sở, Ban, ngành tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện và sự hỗ trợ tích cực về KHKT của các Viện, Trường, đặc biệt là Viện cây ăn quả miền Nam đã giúp người dân thay đổi được tập quán canh tác truyền thống, nắm bắt KHKT và mạnh dạn ứng dụng, đầu tư vào quy trình sản xuất.
Những năm gần đây, việc sản xuất cây ăn trái nói chung và cam sành, chôm chôm nói riêng trên địa bàn huyện Trà Ôn ngày càng được chủ động hơn, nhiều nhà vườn đã đầu cho trái rải vụ, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tránh điệp khúc “trúng mùa- mất giá”, hay “thừa hàng- dội chợ”. Nhờ đó sản lượng, chất lượng cây ăn trái không ngừng được nâng lên.
Với nhiều nỗ lực quyết tâm, Trà Ôn đã có 2 Hợp tác xã được Công ty cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap cho Hợp tác xã chôm chôm Tân Khánh và tái chứng nhận VietGap cho Hợp tác xã cam sành Phương Thúy. Đây là kết quả quan trọng giúp bà con nông dân đạt hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm vươn xa đến các thị trường tiêu thụ tiềm năng; đồng thời giúp địa phương thực hiện đạt tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Để giữ vững thương hiệu VietGap, ngành nông nghiệp khuyến cáo xã viên các Hợp tác xã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cung ứng sản phẩm đạt chất lượng ra thị trường, đảm bảo thời gian cách ly sinh học và hệ thống đóng gói đảm bảo uy tín./.
Minh Trúc