
ảnh: trà lúa trổ tại huyện Tam Bình
Diện tích nhiễm trong tuần 1.845 ha, tăng 240 ha so với tuần trước, gây hại chủ yếu trên trà lúa đòng trổ đến chắc xanh. Tình hình dịch hại diễn biến như sau:
- Bệnh lem lép hạt: diện tích nhiễm là 213 ha, tăng 40 ha so với tuần trước, với tỷ lệ nhiễm phổ biến 5-10%, gây nhiễm giai đoạn trổ đến chín. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ; Bình Tân; Mang Thít.
- Vàng lá chín sớm: diện tích nhiễm là 342 ha, tăng 107 ha so với tuần trước, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, gây nhiễm trên trà lúa đòng đến trổ. Phân bố rải rác các xã tại huyện Long Hồ; Bình Tân; Bình Minh (xã Đông Bình)
- Sâu cuốn lá nhỏ: Diện tích nhiễm 118 ha, giảm 15 ha so với tuần trước, gây hại trên trà lúa làm đòng đến trổ, với mật số phổ biến 10-20 con/m2. Phân bố rải rác các xã huyện Tam Bình; Bình Minh (xã Đông Bình).
- Bệnh Đạo ôn: diện tích nhiễm 661 ha, giảm 3 ha so với tuần trước. Trong đó:
+ Đạo ôn lá (cháy lá): diện tích nhiễm 528 ha, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, gây nhiễm trên trà lúa đẻ nhánh-đòng trổ. Phân bố rải rác các xã huyện Vũng Liêm; Mang Thít; Long Hồ; Tam Bình.
+ Đạo ôn cổ bông (thối cổ gié): diện tích nhiễm 133 ha, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, gây nhiễm trên trà lúa trổ chín. Phân bố rải rác các xã tại huyện Trà Ôn; Long Hồ; Bình Minh (xã Thuận An).
Ngoài ra, các đối tượng khác như: rầy nâu (tuổi 4,5), chuột, bệnh đốm vằn, cháy bìa lá,....chỉ xuất hiện và gây hại nhẹ.
* Dự báo sinh vật gây hại trong thời gian tới (từ ngày 30/9-07/10/2022)
- Bệnh đạo ôn, lem lép hạt: Diện tích và tỷ lệ nhiễm nhẹ có thể tăng do điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ và giai đoạn lúa thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển, đặc biệt lưu ý trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm như: ML 202, Jasmine, IR 50404, OM 4218, OM 4900, Đài Thơm 8… có thể nhiễm nhẹ đến trung bình.
- Rầy nâu: Dự báo trong tuần tới trên đồng xuất hiện phổ biến rầy tuổi 5 đến trưởng thành gây hại chủ yếu ở mức nhẹ trên trà lúa đòng trổ đến chắc xanh.
- Sâu cuốn lá: Có khả năng xuất hiện rãi rác và gây hại ở mức độ nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh- đòng trổ. Chú ý những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, phun thuốc trừ sâu sớm đầu vụ có khả năng bị hại ở mức trung bình.
- Bệnh cháy bìa lá, vàng lá chín sớm: do ảnh hưởng thời tiết mưa kéo dài bệnh sẽ tiếp tục phát triển, nhiễm nhẹ trên trà lúa đòng trổ, đặc biệt là những ruộng bón thừa đạm, không chủ động rút được nước.
Ngoài ra, cũng cần chú ý các đối tượng khác như: sâu đục thân, nhện gié, bọ xít hôi, bệnh vàng lá chín sớm, đốm vằn,… sẽ có khả năng xuất hiện và gây hại trên diện rộng khi gặp điều kiện thích hợp.
* Một số biện pháp quản lý-canh tác trên cây lúa.
- Trước tình hình thời tiết mưa bão nhiều, ẩm độ tăng cao tạo điều kiện cho các bệnh do nấm như: đạo ôn, lem lép hạt, thối bẹ, đốm vằn, bệnh do vi khuẩn như cháy bìa lá, thối gốc lúa, vàng lá sẽ gây hại. Vì vậy bà con phải chú ý thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời, sử dụng đúng thuốc để ngăn chặn mầm bệnh phát sinh phát triển mạnh. Bên cạnh đó cũng lưu ý các đối tượng sẽ gây hại nhẹ như sâu đục thân, muỗi hành trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh đến đòng trổ.
- Tăng cường công tác thăm đồng kiểm tra gia cố các cống đập, hệ thống đê bao, bờ bao có nguy cơ bị sạt lỡ, ngập lũ để bảo vệ cây trồng tốt hơn. Tiếp tục theo dõi tình hình dịch hại trên cây trồng nhất là trong điều kiện mưa lũ như hiện nay nông dân cần đề phòng một số bệnh hại trên lúa, rau màu, cây ăn trái. Mùa mưa rễ cây thường yếu do ngập úng làm đất yếm khí. Mặt khác mưa nhiều cũng làm sâu bệnh dễ bọc phát, do đó cần bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối, nếu mưa lũ làm ngập úng vườn cây, cần nhanh chóng bơm hết nước ra ngoài bờ bao để tránh không cho vườn cây bị ngập kéo dài. Tăng cường bón vôi vào đầu mùa mưa vì vôi có tác dụng giải phóng các chất dinh dưỡng bị keo đất giữ chặt, cung cấp canxi trực tiếp cho cây, làm tăng chất lượng trái, được ngon hơn.
- Lưu ý, sự xuất hiện và gây hại của chuột ở những cánh đồng có lúa đang trong giai đoạn trổ-chín. Sử dụng các biện pháp diệt chuột đồng loạt trên diện rộng, mang tính cộng đồng. Ưu tiên sử dụng các loại bẫy cơ học, thuốc diệt chuột sinh học. Chú ý thu gom bẫy bả, xác chuột, để không gây ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột để tránh gây nguy hiểm cho người cũng như các động vật có ích khác.
- Khuyến cáo nông dân phải tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng": đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách khi phun thuốc, thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng để đúng nơi quy định nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Lê Thị Chính – Chi cục Trồng trọt & BVTV