
Để gia tăng sức chống chịu của cây trồng với những điều kiện bất lợi của môi trường, việc sử dụng gốc ghép là một biện pháp khả thi nhất, đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi ở Đài Loan (Trung Tâm Nghiên cứu và Phát triển rau Châu Á, 2006). Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu trồng khổ qua ghép gốc mướp tăng năng suất hơn 20% và giảm mật độ cây xuống còn 1/3 (650 cây/1.000 m2) so với đối chứng không ghép. Giống mướp VG-17-001 nhập nội từ Đài Loan là một trong những loại giống được trồng làm gốc ghép mang lại hiệu quả cao, nhờ khả năng tăng trưởng nhanh, bộ rễ rất phát triển, ăn sâu và lan rộng nên dễ dàng cung cấp nước và dinh dưỡng cho cây. Giống này có khả năng ra rễ bất định trên các đốt thân nên chống chịu ngập úng, thân lá phát triển mạnh, cây khỏe kháng bệnh tốt. Thời gian thu hoạch kéo dài 6-7 tháng (gấp đôi thời gian trồng khổ qua, gấp 3 lần thời gian trồng dưa leo).
Để áp dụng kỹ thuật ghép rộng rãi cần có số lượng gốc ghép lớn mới đáp ứng yêu cầu sản xuất. Hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu về sản xuất hạt giống mướp được công bố, đặc biệt là giống VG-17-001 nhập nội từ Đài Loan, chuyên làm gốc ghép. Bên cạnh đó, xác định đặc điểm hình thái trên mướp giúp chọn giống có những đặc điểm hữu ích, thích nghi với môi trường, năng suất cao, có giá trị về trái tươi và hạt giống là cần thiết (Geleta et al., 2005). Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn thì việc tuyển chọn giống mướp VG-17-001 làm gốc ghép trên cây khổ qua tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long thực hiện từ 2019-2020 được thực hiện với hai khảo nghiệm: Khảo nghiệm 1: Đánh giá đặc tính hình thái giống mướp nhập nội VG-17-001 làm gốc ghép, ảnh hưởng của biện pháp ngắt đọt, tỉa chồi và công thức phân bón đến năng suất hạt mướp tại tỉnh Vĩnh Long và Khảo nghiệm 2: Đánh giá hiệu quả của các giống mướp làm gốc ghép cho cây khổ qua và mật độ cây ghép đến sinh trưởng và năng suất qua tại Vĩnh Long. Để thực hiện khảo nghiệm 1, nhóm nghiên cứu thực hiện kế thừa kết quả 5 nghiên cứu của PGS.TS. Trần Thị Ba thực hiện từ 2017 đến nay. Giống VG-17-001 là gốc ghép tốt nhất được chọn ra từ 3 thí nghiệm khổ qua ghép gốc mướp tại Cần Thơ, Sóc Trăng và qua 2 vụ chọn lọc cá thể của cây giao phấn (thí nghiệm so sánh 2 giống mướp nhập nội VG-17-001 và VG-17-002 lấy hạt giống làm gốc ghép) theo quy trình chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Kết quả thực hiện khảo nghiệm đạt như sau:
Khảo nghiệm 1: giống mướp VG-17-001 có đặc điểm hình thái chưa ổn định qua 1 vụ trồng. Sử dụng phân Kem kết hợp với biện pháp Không ngắt cho năng suất hạt thương phẩm mướp VG-17-001 cao nhất (59,4 kg/ha), thấp nhất là phân Vi lượng kết hợp Ngắt đọt 3 lần (4,80 kg/ha). Tỷ lệ hạt nẩy mầm ở các nghiệm thức đều hơn 80%. Khảo nghiệm 2: Vụ 1: Khổ qua ghép gốc mướp Đài Loan 01 (VG-17-001) vụ Thu Đông đạt năng suất thương phẩm 5,52 tấn/ha, cao hơn 26% so với Đối chứng không ghép, tỷ lệ cây bị bệnh héo rũ thấp nhất (2,34%), ghép gốc Đài Loan 02 và Địa phương (năng suất thương phẩm 4,12-4,40 kg/ha). Kích thước và khối lượng trung bình trái của khổ qua ghép các giống mướp tương đương nhau. Các chỉ tiêu số lá, kích thước lá, số trái trên cây và khối lượng trái của khổ qua ghép gốc mướp Đài Loan 01 đều cao hơn Đối chứng không ghép. Mật độ trồng 2.500, 5.000, 7.500 và 10.000 cây/ha đều cho tỷ lệ lá bị bệnh thán thư, sự sinh trưởng của cây khổ qua tương đương nhau, mật độ 10.000 cây/ha cho năng suất thương phẩm 5,89 tấn/ha cao nhất, thấp nhất là 2.500 cây/ha (2,87 tấn/ha). Vụ 2: Khổ qua ghép giống mướp Đài Loan 01 (VG-17-001) vụ Đông Xuân cho năng suất thương phẩm 20,9 tấn/ha, cao hơn Đối chứng không ghép 12%; số lá trên thân chính, số trái trên cây, khối lượng trái trên cây ghép và không ghép tương đương nhau. Mật độ 10.000, 15.000 và 20.000 cây/ha cho sinh trưởng và năng suất trái khổ qua tương đương nhau, số trái trên cây và khổi lượng trái trên cây của khổ qua trồng ở mật độ 10.000 cây/ha cao hơn mật độ 15.000 và 20.000 cây/ha.
Nguồn: Bản tin NNNT