
Cần bố trí máy bơm công suất lớn, bơm tập trung đề phòng cứu lúa Đông Xuân bị ngập úng
Triều cường, mưa lớn dự báo có nhiều bất lợi
Triều cường, mưa lớn là thiên tai thường xuyên ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất vụ lúa Đông Xuân trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Thủy lợi cho thấy, vào năm 2005, triều cường đã làm ngập 1.038,5ha lúa Đông Xuân mới xuống giống (trong đó có 813,5ha chết hoàn toàn). Vào cuối năm 2008 đầu năm 2009, triều cường đã làm cho 24.059ha lúa Đông Xuân mới sạ bị ngập chìm trong nước (trong đó có 2.667ha bị chết hoàn toàn và 1.543 ha phải sạ lại).
Đầu vụ lúa Đông Xuân 2010-2011 không bị ảnh hưởng bởi triều cường nhưng những đợt mưa lớn liên tục từ ngày 17-20/11/2010 đã làm ngập chết hoàn toàn và phải sạ lại 14.433ha lúa xuống giống vào con nước mùng 10/10 âm lịch. Gần đây nhất là vụ lúa Đông Xuân 2021-2022, toàn tỉnh có 6.492,6ha lúa mới gieo sạ bị ngập úng, trong đó có hơn 2.600ha bị thiệt hại hoàn toàn, thiệt hại nặng hoặc rất nặng phải sạ lại do gặp phải nhiều đợt mưa lớn vào giữa và cuối tháng 11/2021.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 11/2022 đến tháng 1/2023, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 5 đợt triều cường: Đợt 1 từ ngày 6-12/11, đợt 2 từ ngày 23-29/11, đợt 3 từ ngày 7-11/12, đợt 4 từ ngày 21-29/12, đợt 5 từ ngày 6-10/1/2023 và đợt 6 từ ngày 21-26/1/2023. Riêng 3 đợt triều cường vào những ngày cuối tháng 11, 12 năm 2022 và tháng 1/2023 độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tầu sẽ ở mức cao trên 4,0m. Trường hợp triều cường trùng với thời kỳ gió mùa đông bắc có cường độ mạnh sẽ gây ngập lụt tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển và cửa sông khu vực ven biển Nam Bộ. Mùa mưa năm nay có lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm nhưng kết thúc muộn, khoảng đầu tháng 12; cộng thêm dự báo mùa bão Biển Đông có khả năng kết thúc muộn, sẽ còn khoảng 2-3 cơn bão nữa ảnh hưởng đến đất liền nước ta, có khả năng tháng 1/2023 vẫn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông, sẽ đóng góp thêm lượng mưa gia tăng trong khu vực này, có khả năng gây bất lợi cho vụ Đông Xuân 2022-2023.
Cần chủ động khâu thủy lợi
Đợt triều cường lịch sử rằm tháng 9 âm lịch và đợt triều cường đầu tháng 10 âm lịch đã kiểm chứng ngăn lực ngăn triều cường, tiêu thoát của hệ thống công trình thủy lợi, giao thông bộ trên địa bàn tỉnh. Nhiều công trình bị tràn phá do triều cường cần sớm được khắc phục lại để đảm bảo an toàn cho xuống giống vụ lúa Đông Xuân tới đây.
Ở những vùng còn kém an toàn ngăn triều cường cần được tổ chức gia cố lại bờ bao, cống đập cho vững trước khi quyết định thời điểm xuống giống. Những trạm bơm tiêu điện cố định đã được xây dựng trước đây cần được tu sửa lại và dự phòng thêm máy bơm có công suất lớn, có thể cơ động được (loại máy bơm dầu D15 có công suất trên 500 m3/giờ) để phòng bơm tát chống ngập cứu lúa. Đồng thời tổ chức lại các tổ bơm tát ở các ấp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp để vận hành máy bơm tiêu chống ngập úng. Vì thực tế cho thấy, khi cánh đồng rộng lớn bị ngập nước, chỉ có máy bơm công suất lớn mới giải quyết tiêu thoát nhanh, bơm nhỏ trong dân không bơm kịp.
Vụ lúa Đông Xuân năm nay, toàn tỉnh xuống giống 45.000ha theo 3 đợt chính: đợt 1 (10.000ha) xuống giống từ ngày 5-20/10/2022 (nhằm 2 con nước từ 10/9 đến hết 25/9 âm lịch); đợt 2 (30.000ha) xuống giống từ ngày 3-18/11 (nhằm con nước từ mùng 10/10 đến 25/10 âm lịch) và đợt 3 (5.000ha) xuống giống từ 3-18/12 (nhằm con nước từ mùng 10/11 đến 25/11 âm lịch). Trong đó 2 đợt 1 và 2 nằm chọn trong dự báo tác động của các đợt triều cường và mưa, bão cuối năm 2022.
Ở những năm trước, hai đợt xuống giống này thường hay bị nước “chụp” của những đợt triều cường. Vào thời gian đó, cứu lúa sẽ khó khăn hơn khi gặp phải triều cường kết hợp với mưa dầm. Vùng gần sông lớn có thể lợi dụng thủy triều để tiêu thoát cho ruộng bị ngập, còn ở vùng xa sông lớn, nước kinh, rạch hầu như "cầm thủy", tiêu thoát khó khăn do chênh lệch mức nước giữa đồng và kinh, rạch thấp, vì vậy để lúa không bị ngập úng gây chết giống ở vùng này chỉ còn cách là bơm tiêu thường xuyên.
Khi lúa bị nước “chụp”
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu ruộng lúa mới sạ bị ngập tùy theo tình trạng giống mà có cách cứu lúa khác nhau. Đối với ruộng mới sạ hoặc lúa đã ra lá non mà bị ngập do triều cường kết hợp mưa dầm thì không nên tháo nước cạn mặt ruộng trong lúc có mưa, mà chỉ nên rút nước ra khỏi ruộng từ từ, chờ mưa dứt hẳn mới tháo cạn. Vì tháo cạn lúc đó sẽ làm cho hạt giống hoặc lúa non bị lấp vào bùn bởi những hạt mưa rơi xuống, lâu ngày làm cho hạt giống bị thối, nếu là lúa non thì sẽ bị nằm bẹp xuống đất rất khó phục hồi.
Đối với những ruộng lúa bị chết giống dưới phân nửa mà rễ lúa còn lại vẫn trắng, thân mềm, chưa bị thối thì không nên rút cạn hết nước, mà chỉ nên rút nước dần ra khỏi ruộng, đến khi lúa nhú đọt non thì tiến hành bón phân và giặm vá lại những chỗ lúa chết. Sau khi cấy giặm, cần bón thêm phân đạm, kali để lúa mau phục hồi.
Đối với lúa bị ngập nặng ở giai đoạn đẻ nhánh cùng cần rút nước bớt nhưng giữ lại lớp nước trên ruộng từ 2-3cm để ngã đổ, tiến hành cấy giặm những chỗ lúa bị chết để bảo đảm mật độ. Sau khi cấy giặm, bón thúc thêm phân bón cho lúa mau phục hồi.