Khi tham gia mô hình nông dân được hỗ trợ 100% chi phí tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ 50% chi phí giống và 50% vật tư thiết yếu, phần còn lại bà con nông dân tham gia mô hình đối ứng để sản xuất.

Ảnh. Ruộng lúa thực hiện mô hình áp dụng biện pháp gieo sạ bằng máy tại ấp Kinh Mới, xã Mỹ Thuận
Trong quá trình canh tác bà con nông dân được cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình hướng dẫn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý nước theo phương pháp ngập khô xen kẽ,... Lúc đầu tham gia, nông dân rất e ngại việc sạ thưa 50 kg/ha, tuy nhiên sau khi thực hiện, mô hình được tổ chức tổng kết với kết quả bước đầu mang lại rất phấn khởi, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Đây chính là minh chứng cho hiệu quả của việc đưa cơ giới hóa vào khâu gieo sạ trong canh tác lúa. Sau đây là một số hiệu quả mang lại sau khi thực hiện mô hình:
Về hiệu quả về kinh tế : Tổng chi trong mô hình 19.160.000 đồng/ha thấp hơn ngoài mô hình là 4.230.000 đồng/ha. Năng suất lúa trong mô hình đạt 6 tấn/ha so với ngoài mô hình là 5,8 tấn/ha, chênh lệch năng suất là 0,2 tấn/ha. Lợi nhuận trong mô hình đạt 15.040.000 đồng/ha cao hơn ngoài mô hình 5.370.000 đồng/ha, đạt 56% vượt yêu cầu mục tiêu dự án >20%.
Giảm lượng phân bón hóa học: Do áp dụng gieo sạ bằng máy nên lượng giống gieo sạ rất thưa 50 kg/ha cho nên người dân đã giảm được một lượng phân bón đáng kể so với ngoài mô hình. Cụ thể, ruộng trong mô hình đã sử dụng công thức phân cho 1 ha là: 78,6 kg N+59,8kg P+ 54kg K, ruộng ngoài mô hình sử dụng công thức phân cho 1 ha là: 91,4 kg N+65,2 kg P+58,5kg K, như vậy lượng phân trong mô hình thấp hơn ngoài mô hình: 12,8 kg N + 5,4 kg P2O5 + 4,5 kg K2O tương đương với việc tiết kiệm tiền phân khoảng 1.000.000 đồng/ha.
Hiệu quả về xã hội: Giúp nâng cao nhận thức của người dân mạnh dạn áp dụng giảm lượng giống gieo sạ trong canh tác lúa thông qua việc ứng dụng máy sạ lúa theo khóm; Đồng thời với việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đặc biệt áp dụng gieo sạ bằng máy nhằm giúp giảm công lao động, chủ động về thời vụ, tạo điều kiện mở rộng sản xuất cánh đồng lớn, giúp cây lúa mọc với khoảng cách hợp lý, quang hợp tốt, nhánh hữu hiệu nhiều, lúa phát triển tốt, cứng cây không đỗ ngã, sâu bệnh ít, năng suất cao, góp phần cung cấp cho thị trường một số lượng lớn lúa thương phẩm chất lượng cao.
Hiệu quả về môi trường: Việc sử dụng phân bón cân đối hợp lý không thừa đạm, áp dụng đúng theo hướng dẫn của cán bộ theo dõi mô hình tập huấn: Quản lý dịch hại theo IPM; quản lý nước tưới tiết kiệm, hiệu quả, không những giúp cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường giảm phát thải khí nhà kính bảo vệ sức khỏe cho con người.
Để tạo thuận lợi trong việc nhân rộng mô hình cần tiếp tục đầu tư trình diễn cho các địa bàn trong huyện, tạo điều kiện cho người trồng lúa tham quan, tiếp cận, trao đổi và học hỏi. Từ đó, giúp nông dân mạnh dạn đầu tư áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trên đồng ruộng, hướng đến sản xuất hình thành vùng nguyên liệu, cung ứng sản phẩm lúa gạo đạt chất lượng cao.
Hồng Thắm – Bình Tân