
Nhãn, cây trồng của Vĩnh Long có nhiều lợi thế và tiềm năng để chế biến, bảo quản phục vụ xuất khẩ
Trong những năm gần đây, rau quả ở tỉnh ta phát triển rất nhanh về diện tích, năng suất, sản lượng và đem lại thu nhập khá cao cho người trồng. Diện tích, sản lượng cây ăn trái của tỉnh tăng lên từng năm từ 41.089ha và 431.104 tấn (năm 2013) lên 61.800ha và 1,2 triệu tấn (năm 2021). Diện tích, sản lượng rau màu cả năm tăng từ 44.385 ha và 896.465 tấn (năm 2013), lên 59.544ha (năm 2019), 55.230ha và 1,2 triệu tấn (2021).
Theo Sở Công Thương, trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng dần qua các năm từ 30,58 triệu USD vào năm 2015 lên 64,61 triệu USD vào năm 2019, đến năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu giảm còn 29,37 triệu USD. Riêng ngành rau quả đạt từ 10-17 triệu USD/năm (tăng trưởng 10,07%/năm).
Rau quả của tỉnh Vĩnh Long thời gian qua, nhất là trái cây có chất lượng và sản lượng khá lớn như khoai lang, cam sành, bưởi, chôm chôm, nhãn, thanh long,…đã được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, một số ít rau quả chế biến xuất sang thị trường Hoa Kỳ, châu Âu,... Trong đó, đáng ghi nhận là năm 2019, tỉnh Vĩnh Long được xuất khẩu được lô xoài đầu tiên vào Hoa Kỳ.
Tuy vậy, sản xuất và chế biến, bảo quản rau quả của tỉnh hiện nay còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Số lượng cơ sở chế biến lớn, hiện đại không có; tỷ lệ rau quả đưa vào chế biến chỉ đạt 10%; công tác bảo quản kém, tổn thất sau thu hoạch cao trên 20%, tổ chức liên kết chưa chặt chẽ, an toàn thực phẩm vẫn còn là vấn đề lớn,…Còn xuất khẩu rau quả thì có quy mô nhỏ, chủ yếu được xuất khẩu ủy thác hoặc qua đường tiểu ngạch, thiếu các doanh nghiệp lớn tham gia vào quá trình sản xuất và xuất khẩu nông sản; thiếu tính ổn định về sản lượng và giá...
Để đảm bảo chất lượng và đầu ra sản phẩm loại cây trồng này, thời gian qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh có tiến hành quy hoạch lại vùng trồng phù hợp lợi thế của địa phương và đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó tập trung xây dựng và mở rộng vùng sản xuất chuyên canh theo hướng an toàn, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt GAP, sản xuất hữu cơ kết hợp đầu tư ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa khâu chăm sóc để tạo sản phẩm có chất lượng. Đồng thời chú trọng xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, khai thác chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất-tiêu thụ; xây dựng thương hiệu và thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ vào khâu bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch phục vụ nhu cầu xuất khẩu…
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái như: bưởi năm roi ở khu vực thị xã Bình Minh, bưởi da xanh và sầu riêng ở Thanh Bình-Quới Thiện (Vũng Liêm), nhãn ở 4 xã cù lao huyện Long Hồ; chôm chôm ở 4 xã cù lao Long Hồ, xã Tích Thiện và Thiện Mỹ (Trà Ôn), vùng xoài ở xã Quới An, Trung Chánh (Vũng Liêm)...Bên cạnh, phong trào trồng rau màu có sức lan tỏ nhanh chóng, đến nay đã có các vùng chuyên canh rộng lớn, tập trung ở huyện Bình Tân, Long Hồ, Tam Bình và thị xã Bình Minh và áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, nên sản phẩm rau màu của Vĩnh Long rất đa dạng. Nhiều loại hình hợp tác chuyên sản xuất loại rau cải được hình thành cùng với nhiều tổ, nhóm, mô hình sản xuất rau an toàn trong dân có diện tích trên 1.500ha (chiếm 10% diện tích rau màu cả năm toàn tỉnh).
Để nâng cao năng suất, chất lượng rau quả, công tác chọn, nhân giống được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp-PTNT, Khoa học công nghệ và Công thương của tỉnh đã triển khai nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học về hỗ trợ sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất rau quả, giống rau quả, từng bước xây dựng và phát triển vùng trồng chất lượng cao đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt, hình thành vùng nguyên liệu đủ điều kiện tham gia chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực trong tỉnh để xuất khẩu, trong đó tập trung hỗ trợ cho cây khoai lang và cây ăn trái.
Phát triển hệ thống nhân giống cũng là giải pháp được tỉnh rất quan tâm để nâng cao chất lượng rau quả. Đến tháng 9/2022, trong tỉnh đã hình thành hệ thống nhân giống rất đa dạng với 9 cơ sở sản xuất giống cây ăn trái, 50 cơ sở sản xuất-kinh doanh giống cây ăn trái và 65 cơ sở kinh doanh giống cây ăn trái. Riêng Trại cây giống thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp cung cấp trong 9 tháng đầu năm là 6.057 cây giống các loại, đạt 12,11% KH. Ngoài ra còn có 35 cơ sở sản xuất-kinh doanh giống rau màu, 55 cơ sở kinh doanh giống rau màu.
Thu hút đầu tư vào chế biến và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm chế biến từ rau quả đã được thực hiện mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2014-2020, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 5 doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản với ngành nghề là chế biến bảo quản rau quả với tổng số vốn đầu tư khoảng 439,3 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 17 cơ sở chế biến rau quả quy mô vừa, nhỏ và hộ gia đình với tổng công suất thiết kế khoảng 12.000 tấn sản phẩm/năm.
Ngành nông nghiệp duy trì và nâng cấp hoạt động của sàn giao dịch nông sản thông qua hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp tham gia quảng bá trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp-PTNT; đồng thời cập nhật tin tức nông sản, diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng nông sản để thông tin đến người sản xuất, kinh doanh.
Đến cuối tháng 9/2022, toàn tỉnh có hơn 700ha rau quả sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, như: xoài, bưởi Năm roi, bưởi da xanh, cam sành, cam xoàn, nhãn edor, thanh long, chôm chôm, khoai lang và rau an toàn. Có 13 cơ sở sản xuất cây trồng được chứng nhận các tiêu chuẩn vietGAP và tương đương với diện tích hơn 152ha. Tỉnh Vĩnh Long được cấp tổng cộng 31 mã số vùng trồng cây ăn trái với diện tích hơn 500ha và 6 mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
Ngày 8/8/2022, UBND tỉnh ra Quyết định số 1588/QĐ-UBND kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh lên 30 triệu USD vào năm 2030 (gấp đôi so với năm 2020); trong đó, tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên, trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đạt trình độ và công nghệ sản xuất tiên tiến, công suất chế biến đạt 24.000 tấn sản phẩm/năm gấp đôi so với năm2020.
Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Vĩnh Long sẽ xây dựng cơ chế chính sách mới khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, giảm nhanh tổn thất sau thu hoạch; thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực chế biến, bảo quản rauquả; cùng với các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, vận chuyển đối với các sản phẩm rau quả thực phẩm và hỗ trợ đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, đóng gói, kho mát bảo quản rau quả tươi có quy phù hợp với sản lượng và tính đặc thù cho các loại rau quả chủ lực.
Song song đó, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào chế biến và bảo quản rau quả; tăng cường phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp chế biến rau quả, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế. Tỉnh còn xây dựng các vùng nguyên liệu rau quả chủ lực của tỉnh thông qua các chương trình, dự án sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn VietGAP, Global GAP,...và phát triển cơ sở chế biến sâu, chế biến tinh đối với từng sản phẩm rau quả đáp yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời đầu tư thiết lập trung tâm logistics sản phẩm nông sản và công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành rau quả tại các vùng có các điều kiện về cơ sở hạ tầng, đầu mối giao thông vận tải phát triển để kết nối với các trung tâm sản xuất rau quả nhằm quản lý thống nhất chất lượng sản phẩm và giảm chi phí lưu thông hàng hóa.
Bài, ảnh: Thanh Hà