Nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho nông dân Bình Tân trên cơ sở chuyên canh lúa không bền vững và kém hiệu quả. Đồng thời bảo vệ độ phì nhiêu của đất, tăng năng suất cây trồng và giúp tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, nâng dần mức sống người dân đạt tiêu chí thu nhập.

Ảnh. Ruộng khoai môn trong mô hình thực hiện tại xã Nguyễn văn Thảnh
Sau 125 ngày trồng và chăm sóc, chúng tôi nhận thấy khoai môn đã mang lại hiệu quả rất phấn khởi cho bà con nông dân. Tổng chi phí đầu tư bình quân 113.125.000 đồng/ha, với năng suất đạt 12 tấn/ha, tổng thu nhập của mô hình 201.000.000 đồng/ha. Như vậy lợi nhuận mang lại của mô hình 87.875.000 đồng/ha. Tính trên 1 ha nếu so với trồng lúa cùng vụ thì lợi nhuận từ trồng khoai môn cao gấp khoảng 6-7 lần, nếu so với trồng khoai lang hiện nay thì lợi nhuận rất cao góp phần cải thiện tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Bà Nguyễn Thế Danh – nông dân tham gia mô hình tại xã Nguyễn Văn Thảnh cho biết: “Trồng Khoai môn lần đầu tiên nên có nhiều bỡ ngỡ, nhưng có sự hướng dẫn nhiệt tình và kịp thời của cán bộ kỹ thuật cùng với sự chia sẽ kinh nghiệm của những nông dân tham gia mô hình, đã giúp tôi thực hiện mô hình một cách thuận lợi. Cụ thể trong vụ mùa khoai môn vừa qua, mặc dù có xuất hiện bệnh cháy lá nhưng phun xịt kịp thời, cho nên không ảnh hưởng đến năng suất. Sau khi thu hoạch, trừ chi phí tôi đã lãi được mỗi công 8,5 triệu đồng. Gia đình tôi rất phấn khởi vì đã mạnh dạng đầu tư canh tác cây trồng mới tại địa phương mình”..
Qua kết quả thực hiện mô hình, nhận thấy việc luân canh cây màu trên nền đất lúa sẽ giúp cải tạo được đất canh tác do chuyển từ chế độ đất ngập nước liên tục sang chế độ cây trồng cạn.Việc làm này giúp sinh trưởng và phát triển tốt cho cả hai loại cây trồng lúa và cây trồng cạn. Với chi phí sản xuất lúa ngày càng tăng, người nông dân thu lợi nhuận kém nên việc đưa cây màu luân canh trên nền đất lúa góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời cải tạo đất, giảm sâu bệnh hại và lúa cỏ. Bên cạnh đó khi canh tác khoai môn có bổ sung phân hữu cơ đã thúc đẩy phát triển vi sinh vật có lợi trong đất, góp phần giúp cho đất màu mỡ, tơi xốp, giúp cây trồng phát triển trong những vụ mùa tiếp theo.
Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh khoai môn trên nền đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao, là hướng phát triển bền vững nên cần thiết mở rộng thêm diện tích.
Hồng Thắm – Bình Tân