
Mô hình trồng chuyên canh hành lá ở xã Tân Bình cho lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng/ha/vụ
Từ vùng đất triền miên bị lũ
Bình Tân có diện tích tự nhiên khoảng 15.000ha. Dân nơi đây có tập quán trồng lúa nước, rau màu. Bị ngập lũ, được cứu trợ-cứu đói là cảnh xảy ra thường xuyên của vùng này trong mùa lũ, lũ từ lâu đã chi phối đời sống và sản xuất của dân nơi đây. So với các vùng khác trong tỉnh thì lũ về đây sớm và nước cũng ngập sâu hơn cả. Vào đầu tháng 8 là nước từ sông Hậu và sông Tiền theo các kinh, rạch đổ vào đồng, lũ bắt đầu dâng cao, cao nhất và tháng 9, tháng 10, có năm kéo dài đến tháng 11. Lũ tràn cả đồng ruộng, vườn tược, đường xá, nhà cửa, bờ bao thuỷ lợi trừ một số ít đất gò cao. Ở các xã nằm ven sông lớn thì nước có thể rút cạn, còn xa miệt Tân Hưng, Tân Thành thì nước hầu như cầm thuỷ từ 2-3 tháng.
Chiếc xuồng là phương tiện mưu sinh duy nhất của dân vùng lũ cùng với manh lưới, cái đăn, cái lộp, cái lờ để bắt cá, tép, cua đồng và hái bông súng, bông điêng điểng. Công việc đồng án đều gát lại chờ mùa nước rút. Đối với hộ nghèo, vào mùa nước lên không có việc làm, cảnh thiếu ăn là không tránh khỏi và thường xảy ra hàng năm nơi đây.
Vào mùa lũ, đi lại trong huyện bằng đường bộ rất khó khăn do đường xá bị ngập, phương tiện bằng xuồng, ghe là chính. Từ khoảng năm 2000 về trước, từ thị trấn Cái Vồn muốn đến các xã Thành Trung, Tân Thành thì phương tiện duy nhất là đò và xuồng, trở về thị trấn mất hết cả ngày. Từ xã này qua xã khác cũng bằng ghe, xuồng. Đường điện chỉ đến trung tâm một số xã.
Theo các chuyên gia, huyện nằm trong vùng Bắc Bình Minh không phải là vùng trủng nhất tỉnh vì nằm ven sông Hậu, khoảng cách từ bờ sông Hậu đến xã xa nhất là Tân Hưng chưa đến 10km, nhưng vùng bị ngập nặng là do thiếu kinh, mương thoát nước, đê bao chống ngập và các xã trong nội đồng thuộc vùng giáp nước giữa sông Tiền, sông Hậu nên khó tiêu thoát nước.
Sau Giải phóng đến cuối thời kỳ bao cấp (năm 1986), chương trình khai hóa, cải tạo chua phèn vùng này đã được xúc tiến rất mạnh mẽ với việc huy động hành vạn lao động thủ công đào những kinh thoát lũ, rữa chua phèn như Tầm Vu, Đòn Dong, Tuổi Trẻ, 19 tháng 5, 30 tháng 4, Thống Nhất, kinh 3 tháng 2, kinh Mới, kinh T1, kinh T2...cùng với hệ thống kinh đào đã có thời Pháp, Mỹ-Ngụy đã giúp cải tạo hàng ngàn hec-ta đất hoang hoá, đất chỉ trồng được lúa nổi thành đất trồng lúa hai vụ trong năm. Tuy nhiên do cơ chế kinh tế thời đó, mặc dù đã có chuyển biến hơn trước Giải phóng, nhưng nhìn chung trong thời kỳ này, Bắc Bình Minh còn là vùng chuyên trồng lúa nên đời sống nhân dân chỉ tạm đủ ăn, đủ mặc chớ chưa khá, giàu lên được.
…Đến đổi thay mạnh mẽ
Hơn 40 năm qua, được sự đầu tư của trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây, bộ mặt của vùng có những chuyển biến rõ rệt. Công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình phúc lợi xã hội phát triển rất nhanh chóng. Có thể nói, đầu tư tập trung vào thủy lợi, giao thông, điện đã tạo bước đột phá, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế-xã hội trong vùng phát triển mạnh mẽ.
Sau Giải phóng, hàng loạt các công trình kinh đào trước đây được đầu tư nạo vét kết hợp đắp đê bao, xây dựng cống, đập chống lũ bảo vệ sản xuất và dân cư...Nếu như năm 1986, diện tích đất nông nghiệp được khép kín thủy lợi toàn huyện hầu như không đáng kể, thì đến cuối năm 2020 diện tích này là hơn 15.000ha (chiếm 100% diện tích đất nông nghiệp toàn vùng).
Năm 2000, Quốc lộ 53 được nâng cấp tạo thuận lợi giao thông bộ giữa trung tâm huyện với nội vùng và tạo đà phát triển giao thông nông thôn nơi đây. Cùng thời gian ấy, đường tỉnh 908 và đường 857 (nay là ĐT110) cũng được xây dựng, là tuyến giao thông bộ hết sức quan trọng cho vùng Bắc Bình Minh nói chung và Bình Tân nói riêng, tạo thông thương nối liền giữa các xã trong vùng với bên ngoài và là nơi trú ngụ an toàn cho dân khi lũ lên cao. Cũng sau năm lũ lịch sử 2000, chương trình cụm, tuyến dân cư vùng lũ được triển khai thực hiện trong vùng để giúp cho dân vùng lũ có nơi ở ổn định.
Theo ông Võ Văn Theo-Nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bình Tân: “Thay đổi nhất trong huyện là trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, vì từ một vùng thường xuyên bị ngập lũ, điều kiện sản xuất khó khăn và là vùng có nhiều đất hoang hóa, để biến thành vùng sản xuất lúa đạt từ 5-7 tấn/ha/vụ, rồi đến nay trở thành vùng sản xuất chuyên canh với bạt ngàn rau màu đủ các loại. Dân vùng lũ không còn lo ngập lũ nữa!”.
Có đê bao khép kín, nhân dân mạnh mẽ chuyển đổi sản xuất, rau màu dần thay thế cây lúa. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao được chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp quan tâm, đầu tư giúp nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập. Đến nay trong vùng đã có nhiều mô hình trồng màu trên nền đất lúa cho hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình trồng lúa từ 2,9-11,2 lần, nổi bật như: Mô hình trồng dưa hấu tết trên đất ruộng vụ Đông Xuân + rau màu các loại vụ Xuân Hè rộng 450ha ở xã Tân Hưng có lợi nhuận từ 150-200 triệu đồng/ha/2 vụ; mô hình trồng chuyên canh hành lá ở xã Tân Bình, Tân Quới, Tân Lược, Tân An Thạnh với diện tích khoảng 350ha, trồng 3-4 vụ/năm, thực lãi từ 80-100 triệu đồng/ha/vụ...Đặc biệt là mô hình trồng 2-3 vụ khoai lang cho thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/ha/vụ.
Khoai lang là cây trồng chủ lực của huyện Bình Tân, đến nay đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất theo các quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững với các giống khoai nổi tiếng như: Tím Nhật, trắng giấy, trắng sữa, bí đường xanh, Nhật cao sản,…Diện tích khoai không ngừng tăng từ 1.500ha (năm 2000) lên 12.730ha (năm 2020). Khoai lang trong vùng được xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
47 năm qua, đồng hoang đã hóa thành đồng khoai, vùng rốn lũ đã thay da đổi thịt, đang chuyển mình mạnh mẽ. Bình Tân không còn được xem là vùng khó khăn chịu đựng lũ hàng năm nữa, vùng đang hòa uyện với xu hướng chung trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thành Thặng