Mô hình thực hiện với mục tiêu giúp người dân thấy hiệu quả của việc sản xuất hành lá từ nguồn giống gieo bằng hạt. Thay đổi dần thói quen định kỳ sử dụng thuốc BVTV trên cây hành lá. Đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.
Mô hình được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 10 năm 2022, tại xã Tân Bình - huyện Bình Tân với quy mô 1 ha/2 điểm, mỗi điểm thực hiện 5.000 m2. Ở mỗi điểm mô hình bố trí ruộng thực nghiệm và ruộng đối chứng (gieo trồng bằng cây giống) có cùng điều kiện canh tác và chăm sóc. Sau khi xuống giống thì tiến hành lấy chỉ tiêu cả 2 ruộng: Chỉ tiêu về tỷ lệ sâu hại và bệnh hại; chỉ tiêu về năng suất; hiệu quả kinh tế (lợi nhuận); giá thành (đ/kg); tỷ suất lợi nhuận. Từ đó nhóm thực hiện tiến hành đánh giá tỷ lệ nhiễm sâu bệnh hại và so sánh hiệu quả kinh tế giữa 2 mô hình.

Sau khi thực hiện mô hình nhóm thực hiện kết luận như sau:
- Sử dụng hành giống gieo từ hạt giúp giảm khả năng gây hại của sâu và bệnh trên ruộng hành, đồng nghĩa với việc giảm số lần phun thuốc BVTV.
- Mô hình trồng hành lá từ hạt theo hướng GAP bước đầu hiệu quả khá tốt mang lại nhiều lợi nhuận cho người trồng, giúp giảm chi phí đầu vào (giảm 86,9 triệu đồng/ha), giảm giá thành sản phẩm (cụ thể giảm 4 lần phun thuốc sâu và 4 lần phun thuốc bệnh), tăng năng suất (tăng 2,4 tấn/ha), giảm sâu bệnh hại dẫn đến giảm ô nhiễm môi trường, tăng lợi nhuận hơn so với sản xuất truyền thống (tăng 26,9 triệu đồng/ha), đồng nghĩa với việc tăng thu nhập cho bà con nông dân (tăng 14,3%).
- So với cách sản xuất truyền thống thì mô hình gieo trồng từ hạt đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thúc đẩy bà con nông dân mạnh dạng thay đổi phương pháp gieo trồng. Từ đó, cải thiện mạnh mẽ không những về tài chính còn về môi trường và sức khỏe người trồng do giảm sử dụng thuốc BVTV.
Qua đây nhóm thực hiện cũng có một số kiến nghị:
- Đối với người trồng hành tiếp tục sử dụng hạt giống để gieo trồng, giúp nông dân chủ động được nguồn giống và có nguồn gốc rõ ràng, sạch không sâu bệnh hại.
- Đối với chính quyền địa phương cần thành lập một điểm hoặc Tổ hợp tác nhân giống hành lá từ hạt có uy tín, chất lượng để tạo ra nguồn giống tốt và nông hộ có thể tiếp cận dễ dàng.
- Đối với ngành nông nghiệp:
+ Tiếp tục xây dựng các mô hình ứng dụng biện pháp gieo trồng từ hạt, trong đó sử dụng những giống hành gốc tím có tốc độ sinh trưởng tương đương với hành tại địa phương nhằm phục tráng dần hành gốc tím đã bị thoái hóa.
+ Thực hiện các mô hình tiếp theo để so sánh khả năng chống chịu bệnh của cây giống F1 gieo từ hạt với hành giống tại địa phương.
+ Công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đặc biệt là tập huấn về công tác giống cần được các ngành chuyên môn quan tâm. Từ đó, giúp nông hộ nâng cao được nhận thức về việc lựa chọn nguồn giống chất lượng để canh tác.
Nguồn: Bản tin NNNT