
Hình: hoạt động nuôi cá tra
Tại Vĩnh Long, mặc dù diện tích mặt nước nuôi cá tra của toàn tỉnh chỉ còn hơn 361 ha, giảm 16,5% so với cùng kỳ nhưng sản lượng nuôi cá tra vẫn đảm bảo ổn định, đạt gần 89.000 tấn, tăng 11,2% so với năm 2021, chiếm 80% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả tỉnh. Trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, Vĩnh Long cũng như các địa phương khác trong cả nước phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Tuy nhiên từ tháng 4/2022 đến nay, giá cá tra nguyên liệu tăng cao trở lại là cơ hội để người nuôi, doanh nghiệp tái đầu tư phát triển sản xuất để góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành và tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Đồng hành vượt khó cùng người dân nuôi cá tra trong tỉnh, trong năm 2022 Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản đã có những hoạt động hỗ trợ tích cực để nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, kịp thời động viên, khích lệ người nuôi nổ lực phát triển nghề nuôi cá tra ổn định và bền vững, cụ thể như sau:
(1) Tăng cường hỗ trợ công tác quan trắc, cảnh báo môi trường ở các vùng nuôi cá tra trọng điểm của tỉnh để kịp thời cảnh báo môi trường và dịch bệnh cho các cơ sở nuôi. Trong năm, đã hỗ trợ giám sát 228 mẫu nước cấp vùng nuôi cá tra và 84 mẫu nước ao đại diện nuôi cá tra. Trên cơ sở phân tích chất lượng nước, đã đánh giá để đưa ra các khuyến cáo phù hợp cho người nuôi.
(2) Hỗ trợ quản lý sức khỏe vật nuôi qua việc thực hiện giám sát chủ động dịch bệnh trên cá tra tại các cơ sở nuôi để phát hiện bệnh, xác định mức độ lưu hành bệnh, xác định các yếu tố nguy cơ để đưa ra cảnh báo sớm và tổ chức phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Trong năm đã giám sát 59 mẫu cá tra và 59 mẫu bùn đối với bệnh gan thận mủ và xuất huyết. Đây là hoạt động tăng cường hiệu lực và hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thú y - thủy sản và chủ động trong việc quản lý dịch bệnh thủy sản.
(3) Thực hiện công tác giám sát bị động bệnh trên cá tra thông qua việc thường xuyên thu mẫu cá bệnh để chẩn đoán, xét nghiệm và hướng dẫn người nuôi áp dụng đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh trên động vật thủy sản theo Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về Phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Trong năm 2022, đã hỗ trợ xét nghiệm 74 mẫu cá tra để chẩn đoán bệnh và hướng dẫn cơ sở nuôi phòng trị bệnh đúng kỹ thuật. Nhìn chung đối với các mẫu cá tra thương phẩm thì chủ yếu phát hiện bệnh xuất huyết, gan thận mủ và bệnh ký sinh trùng. Ngoài ra còn phát hiện thêm bệnh trương bóng hơi, là một bệnh mới trên cá tra xuất hiện trong vài năm trở lại đây chủ yếu trên giai đoạn cá thịt, chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh nên chưa có phương pháp điều trị hữu hiệu, chủ yếu phòng bệnh là chính hoặc khi phát hiện bệnh thì nhanh chóng xử lý cải thiện môi trường ao nuôi.
Bên cạnh việc hỗ trợ chẩn đoán, xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản còn hỗ trợ cơ sở nuôi trong việc nuôi cấy phân lập vi khuẩn và thử độ mẫn cảm kháng sinh của vi khuẩn để có giải pháp điều trị tích cực, hiệu quả, tránh tình trạng lạm dụng kháng sinh, gây lãng phí, giảm hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Trong thời gian tới, để hoạt động sản xuất cá tra của tỉnh phát triển ổn định và bền vững, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Vĩnh Long định hướng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
(1) Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp& PTNT rà soát, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động nuôi trồng thủy sản.
(2) Tập trung nguồn lực theo dõi, giám sát các vùng nuôi cá tra tập trung và sản xuất giống cá tra ở các vùng có dự báo bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn như: (i) Tăng cường bảo vệ sức khỏe vật nuôi thông qua thu mẫu cá nuôi định kỳ hàng tháng và đột xuất để chẩn đoán, xét nghiệm bệnh và hướng dẫn người nuôi cách phòng trị và sử dụng kháng sinh có hiệu quả, đồng thời thu mẫu tăng cường vào những thời điểm có nguy cơ xâm nhập mặn để kịp thời cảnh báo cho người nuôi cách phòng tránh nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra; (ii) Tăng cường quan trắc và cảnh báo môi trường: thu mẫu nước định kỳ hàng tháng để phân tích các yếu tố thủy lý hóa ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản đồng thời thu mẫu tăng cường vào những thời điểm các yếu tố môi trường thay đổi, nguy cơ xâm nhập mặn cao hoặc chất lượng nước trên sông biến động lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản. Trong công tác này có sự kết hợp với kết quả quan trắc môi trường của các cơ quan chuyên môn khác để tăng tần suất và hiệu quả của việc giám sát chất lượng nước, nhất là tại các vùng tiếp giáp giữa ranh mặn - ngọt, kịp thời gửi thông tin đến các địa phương và các cơ sở nuôi trên địa bàn tỉnh để khuyến cáo người dân chủ động sản xuất nhằm giảm thiểu thiệt hại khi chất lượng môi trường nước và độ mặn vượt quá ngưỡng chịu đựng của thủy sản nuôi.
(3) Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm: (i) Phối hợp các Viện, Trường nuôi thử nghiệm các giống cá tra để tuyển chọn giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, đặc biệt lựa chọn con giống thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; (ii) Cải tiến kỹ thuật, áp dụng các tiến bộ khoa học vào thực tế sản xuất như cải tiến phương pháp cho ăn để giảm thiểu chất thải, sử dụng các chế phẩm sinh học để cải thiện chất lượng nước, nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao, quan trắc môi trường tự động; (iii) Áp dụng sản xuất thủy sản theo các mô hình nuôi thủy sản tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP… đảm bảo kiểm soát tốt cả đầu vào, đầu ra và kịp thời xử lý với các diễn biến bất thường của môi trường nước.
(4) Thực hiện dự án công nghệ cao “Hỗ trợ xây dựng vùng nuôi cá tra an toàn thực phẩm theo quy trình nuôi tiên tiến VietGAP giai đoạn 2023 - 2025” để hỗ trợ các vùng nuôi cá tra phát triển theo hướng bền vững ứng dụng quy trình VietGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và truy xuất được nguồn gốc. Làm cơ sở để từng bước áp dụng chuyển đổi số và công nghệ cao trong quy trình nuôi cá tra thâm canh, nâng cao uy tín thương hiệu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế./.
Nguồn: Bản tin NNNT