
Hình: Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL “Liên kết cùng phát triển - Đồng Tháp 2022”
Sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đã đạt và mang lại nhiều kết quả nhất định như: có 107 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (35 sản phẩm đạt 4 sao và 72 sản phẩm đạt 3 sao) 67 chủ thể (15 HTX, 19 doanh nghiệp và 33 hộ sản xuất kinh doanh). Qua kết quả đạt được, ngành nông nghiệp nhận thấy được các cơ hội và thách thức trong thực hiện Chương trình OCOP như sau:
* Về thuận lợi và cơ hội
- Chương trình OCOP của tỉnh đã nhận được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp chính quyền;công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện tốt làm cho người dân hiểu biết về Chương trình và chủ động đăng ký tham gia.
- Hệ thống chỉ đạo điều hành từng bước được kiện toàn, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm triển khai Chương trình ở địa phương được nâng lên cụ thể thông qua việc đưa chương trình OCOP chỉ tiêu nghị quyết của đại hội đảng bộ các cấp.
- Chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, bao bì của sản phẩm OCOP ngày càng phát triển, thể hiện trình độ sản xuất của nông dân ngày càng tiến bộ.
- Sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng theo 6 nhóm, gồm: nhóm thực phẩm (nông, thủy sản tươi sống, nông, thủy sản sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác); nhóm đồ uống (đồ uống có cồn; đồ uống không cồn); nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu (sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác); nhóm hàng thủ công mỹ nghệ (các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren... làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng); nhóm sinh vật cảnh (hoa, cây cảnh, động vật cảnh); nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
- Các chủ thể đã đẩy mạnh việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP ; sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng, miền.
- Thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP luôn được rộng mở, sự quan tâm, đón nhận của người tiêu dùng ngày càng lớn. Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đây là những điều kiện, cơ hội tốt để phát triển sản phẩm OCOP.
- Chương trình OCOP là một chủ trương hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ, cả hệ thống chính trị vào cuộc chắc chắn sẻ tạo ra động lực to lớn cả vật chất tinh thần.
* Về khó khăn và thách thức:
- Các tổ chức/cá nhân có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ, thay đổi mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại…nên chưa đủ điều kiện phát triển với số lượng lớn và đáp ứng nhu cầu của thị trường phù hợp hơn.
- Nguồn lực triển khai chương trình còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép và từ nội lực của chủ thể kinh tế; một số cơ chế hỗ trợ chưa được cụ thể hóa; sự tham gia gắn kết trong phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị sản phẩm còn lỏng lẻo, dễ bị đứt gãy khi có sự biến động về thị trường.
- Sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn còn manh mún, nhỏ lẻ; ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh đối với sản xuất nông nghiệp ngày càng lớn và khó dự đoán, phòng ngừa, đặc biệt là an ninh phi truyền thống là những trở ngại lớn trong thực hiện Chương trình OCOP.
- Khát vọng của cả hệ thống chính trị và nhân dân muốn nhanh đổi bộ mặt nông thôn đặc biệt là cơ sở hạ tầng; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân góp phần bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống của nông thôn vừa là yêu cầu bức xúc trước mắt, vừa có tính lâu dài, vừa là khâu đột phá trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước trong giai đoạn hiện nay trong khi đó nguồn lực hạn chế, nông dân còn nghèo.
- Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá gây áp lực và thách thức cho lĩnh vực nông nghiệp nói chung, lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn nói riêng nhất là môi trường sinh thái để thực hiện Chương trình OCOP.
- Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng yêu cầu của sản xuất hàng hoá đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, đảm bảo số lượng, đủ điều kiện sản xuất, công bố chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm, kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm, mã số, mã vạch, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc nguyên liệu, bảo vệ môi trường…,
- Nhiều chính sách chưa phù hợp với xu thế phát triển như: đất đai, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, tín dụng, bảo hiểm…; tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xúc tiến thương mại hạn chế, thiếu trung thực trong việc công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm; thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa thiếu trung thực; quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm chưa minh bạch, rõ ràng và đảm bảo theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế; kỹ năng bán hàng yếu, thiếu liên kết, chi phí sản xuất tăng cao, làm giảm sức cạch tranh của các sản phẩm OCOP.
Để Chương trình OCOP tiếp tục được đẩy mạnh phát triển trong thời giai tới thì cần quan tâm thực hiện một số giải pháp và định hướng như sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến cấp xã, thôn; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM. Tập trung nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các tổ chức kinh tế khu vực nông thôn, các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị phân phối, người tiêu dùng thông qua các hội nghị triển khai Chương trình OCOP; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, qua các Cổng thông tin điện tử (website), truyền thông mạng xã hội, tạp chí, bản tin, chuyên đề, tài liệu (sổ tay, cẩm nang...).
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP đáp ứng các quy định của thị trường trong nước và xuất khẩu; xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP. Thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận) cho sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
- Hoàn thiện các cơ chế chính sách cho Chương trình OCOP để hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy phát triển sâu rộng và đồng bộ, trong đó, ưu tiên vốn, đất đai, hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng KHCN để hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm; phát triển vùng nguyên liệu địa phương; xây dựng chuỗi giá trị; hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất, máy móc, thiết bị chế biến quy mô nhỏ và vừa phù hợp với điều kiện của địa phương; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đào tạo nghề cho lao động và nâng cao năng lực cộng đồng; sở hữu trí tuệ; bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; xây dựng câu chuyện sản phẩm; hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại; thương mại điện tử, thực tế ảo; khen thưởng sản phẩm OCOP; hỗ trợ tiếp cận các nguồn tín dụng; tổ chức đánh giá, phân hạng và giám sát sản phẩm OCOP.
- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ triển khai Chương trình OCOP và chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp cho thành niên, đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP.
- Đẩy mạnh kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực về chuyển đổi số, thúc đẩy cơ giới hóa trong phát triển sản phẩm OCOP, phát triển OCOP xanh theo hướng xuất khẩu, gắn với bảo tồn, phát triển bao trùm và bền vững (rừng, môi trường, cảnh quan...); nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển và quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài nước. Tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP tới các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, cơ quan đại diện của các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Tham gia, tổ chức các sự kiện, diễn đàn khu vực, quốc tế về OCOP thường niên, góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa, du lịch Việt Nam./.
Nguồn: Bản tin NNNT