
Nhiều hộ dân tại các ấp Tích Phú, Tích Lộc của xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn đã chủ động tìm cách thích ứng, chọn giống cây trồng phù hợp, trồng chuyên canh, luân canh, xen canh; đồng thời thường xuyên cập nhật thông tin hạn, mặn từ báo, đài để chủ động nước tưới và sử dụng nước tiết kiệm, đảm bảo sản xuất an toàn mỗi khi hạn, xâm nhập mặn xảy ra.
Nông dân Lê Quang Chiếu, ngụ ấp Tích Phú, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn cho biết: “Những năm gần đây nói chung được Đài Truyền thanh, Đài Truyền hình tuyên truyền về nước mặn, từ đó mà nông dân của chúng tôi biết cách khi mà nước ngọt chúng tôi dự trữ, rồi có nước mặn thì chúng tôi đóng cống rồi vận động bà con nông dân trong ấp làm tốt phong trào đóng cống không cho nước mặn vào mương, từ đó coi như là về thiệt hại kinh tế là hiện nay ở đây chúng tôi đất là trồng ổi, trồng dừa, trồng mận, trồng chanh không có thiệt hại”.
Còn nông dân Hồ Văn Đảnh, ngụ ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn chia sẻ: “Vườn của tôi có 6 công trồng 04 thứ: dừa, chanh, ổi, mít. Trong lúc tưới, cấp trước tôi tưới khoảng 3 ngày tưới 1 lần, 6 công này tưới khoảng 3 tiếng đồng hồ, nhưng mà thấy nước xâm nhập Đài báo tôi mới giảm xuống tới 5 ngày mà tưới lại giảm cái giờ lại là khoảng còn 2 giờ hoặc 2 giờ rưỡi hà, chứ hỏng có tưới như trước nhưng mà cũng tùy theo lúc mặn, lúc mặn xâm nhập là tôi dãn cách ra nữa có thể lên 7 ngày chứ hỏng có tới 5 nữa đặng mình tiết kiệm nước”.
Xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn hiện có hơn 1.400 ha đất nông nghiệp, trong đó, cây lúa chiếm hơn 25 ha, cây màu hơn 97 ha còn lại là cây ăn trái các loại với hơn 1.300 ha gồm: ổi, nhãn, chanh, cam, mận, xoài, chôm chôm, dừa, măng cụt, sầu riêng, vú sữa…Để chủ động phòng, chống, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, xâm nhập mặn, bên cạnh giải pháp công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công các cống, đập ngăn mặn, nạo vét kênh, mương nội đồng, địa phương còn vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành mô hình sản xuất thông minh, thân thiện với môi trường; đồng thời thường xuyên cử cán bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo, thông tin kịp thời về hạn hán, xâm nhập mặn cho người dân để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tích Thiện-Trà Ôn- Chế Hoài Hận cho hay: “Trung tâm khuyến nông tạo nhóm Zalo cũng như là khi có hạn mặn thì cái hệ thống sẽ báo trên điện thoại thì cũng có tham gia vô nhóm của xã để mà thông báo kịp thời đến trong xã cũng như các trưởng ấp, phó trưởng ấp, để kịp thời thông báo cho người dân và đồng thời tham mưu với phía chỗ ủy ban để mà báo cáo độ mặn để mà ủy ban có hướng chỉ đạo cho cán bộ truyền thanh thông báo rộng rãi đến các ấp để nhằm giúp cho người dân chủ động nước tưới tiêu khi có triều cường lên có nước mặn để giảm thiểu tối đa tình hình thiệt hại của bà con khi nước mặn xâm nhập. Trong hướng tới về phía Hội thì cũng thường xuyên xuống các chi hội để mà tuyên truyền cho hội viên cũng như người dân chủ động các mương vườn bị lạng thì nạo vét các mương vườn cũng như cống đập cá nhân thì phải chủ động để mà khi có triều cường đến để mình đóng lại để không cho nước mặn vào, tránh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp”.
Theo các nhà khoa học, Đồng bằng sông Cửu Long là 1 trong 5 đồng bằng dễ tổn thương nhất thế giới vì biến đổi khí hậu. Để sinh tồn và phát triển, người dân không nên coi hạn mặn là kẻ thù. Cách tốt nhất là thích ứng, trong đó, các giải pháp như thay đổi các giống cây trồng, chủ động nước tưới tiết kiệm mỗi khi có hạn, mặn của nông dân xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn là những ví dụ rất điển hình.
Trong thời gian tới, huyện Trà Ôn sẽ tiếp tục khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, liên kết vùng, từng bước chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển nông nghiệp bền vững./.
TRÚC MAI