
Người dân Bình Tân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để phát triển chăn nuôi
Theo Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân, trong năm 2022, ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện có sự phục hồi, phát triển trở lại sau thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng đàn heo là 18.200 con; đàn trâu, bò là 800 con; dê 10.076 và gia cầm trên 1 triệu con. Do đó, đã đóng góp quan trọng đưa tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản của huyện đạt trên 2.611 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu chung cả năm thì vẫn chưa đáp ứng theo yêu cầu đề ra, nguyên nhân là do giá thịt các loại vật nuôi sụt giảm và biến động liên tục dẫn đến số lượng tổng đàn heo, trâu, bò, dê và gia cầm giảm theo. Bên cạnh đó, giá thức ăn, thuốc thú y tăng mạnh, dịch bệnh diễn biến phức tạp, lợi nhuận của người chăn nuôi không cao, mặt dù nhiều hộ đã tận dụng phụ phẩm từ trồng trọt như: dây khoai lang, thân cây bắp, rơm, rạ… kết hợp thức ăn công nghiệp để chăn nuôi nhằm giảm chi phí đầu tư. Mặt khác, do chăn nuôi mang tính rủi ro cao nhưng lợi nhuận mang lại chưa thật sự ổn định nên người nuôi không mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô và tăng tổng đàn dẫn đến số lượng đàn vật nuôi của huyện Bình Tân không đạt chỉ tiêu.
Để hỗ trợ người chăn nuôi, ngành nông nghiệp huyện Bình Tân đã triển khai thực hiện tốt công tác tiêm phòng. Cụ thể, tiêm phòng ngừa dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn trên heo: 13.382 liều; lở mồm long móng trâu, bò: 910 liều; viêm da nổi cục 440 liều; cúm gia cầm trên 256.000 liều. Bên cạnh, còn tổ chức tiêu độc sát trùng chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm được 4 đợt, với tổng số lượng hóa chất được sử dụng là 1.400 lít, diện tích phun xịt trên 1,2 triệu m2 của 3.987 lượt hộ chăn nuôi. Tuy vậy, nhưng vẫn xảy ra dịch tả heo Châu Phi của 03 hộ chăn nuôi tại xã Mỹ Thuận và Nguyễn Văn Thảnh, số heo tiêu hủy là 47 con, tổng trọng lượng trên 2.800kg; riêng một số bệnh truyền nhiễm thông thường như: phó thương hàn, E.coli, tiêu chảy trên heo; tụ huyết trùng trên gia cầm, bại liệt vịt vẫn xảy ra…. nhưng ngành thú y và người chăn nuôi đã điều trị kịp thời nên thiệt hại không đáng kể.
Theo định hướng của ngành nông nghiệp huyện Bình Tân, để nâng cao giá trị toàn ngành, bên cạnh việc cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt thì trong năm 2023, huyện Bình Tân còn chú trọng phát triển chăn nuôi, phấn đấu tăng đàn heo lên 18.500 con; trâu, bò lên 900 con; dê 11.000 con và gia cầm 1,2 triệu con. Phòng NN&PTNT huyện Bình Tân cho biết, đến thời điểm này, tổng đàn vật nuôi của huyện đang phát triển mạnh so với cùng kỳ năm trước, hiện đàn heo là 5.680 con; trâu, bò 811 con; dê trên 4.400 con và gia cầm gần 150.000 con. Theo thống kê, mỗi năm, nông dân trong huyện xuống giống khoảng 13.000ha lúa, trên 16.000ha màu, nên một lượng lớn phụ phẩm trong nông nghiệp như: dây khoai lang, thân cây bắp, rơm,… rất phù hợp để phát triển các loại gia súc như: trâu, bò, dê, thỏ… giúp người chăn nuôi tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập.
Cũng như hạn chế việc chôn vùi theo kiểu truyền thống, dễ gây ra ngộ độc hữu cơ cho vụ sau, hoặc vứt bỏ xuống kênh, rạch làm ngăn dòng chảy và nghiêm trọng hơn là gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là địa phương đang định hướng cho người dân tập trung phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại để ký kết hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, tạo đầu ra ổn định, góp phần tăng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản của huyện 3% so với năm 2022, tương đương 2.689 tỷ đồng.
Theo đánh giá của huyện Bình Tân, việc cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi được thực hiện theo hướng nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất và chất lượng con giống. Về phương thức tổ chức sản xuất, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cần chuyển sang chăn nuôi tập trung quy mô gia trại, trang trại, tổ chức lại vùng nuôi, xây dựng và tổ chức chuỗi liên kết khép kín theo hướng an toàn thực phẩm. Bên cạnh, các cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi cần chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng, quy mô lớn gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Giải quyết triệt để các vấn đề khó khăn như: sản xuất hầu hết chưa liên kết được với doanh nghiệp thu mua, chưa hình thành được chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất - tiêu thụ, còn lệ thuộc vào giá cả thị trường. Cũng như các cơ sở chăn nuôi cần liên kết với các doanh nghiệp hoạt động ở mọi công đoạn từ thức ăn, chăn nuôi gia công, giết mổ, chế biến, tiêu thụ bán lẻ trong khả năng của mình; tiếp tục cải tiến thay đổi nâng cao giá trị quản trị, giá trị sản xuất, hạ giá thành sản xuất……
Có thể nói, ngành chăn nuôi có vai trò rất quan trọng trong ngành kinh tế hiện nay, đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng, sau khi nước ta gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Những cơ hội và thách thức sẽ xuất hiện cả trên thị trường nội địa và quốc tế. Nhưng muốn cạnh tranh hiệu quả thì ngành chăn nuôi cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về phương thức tổ chức sản xuất, quy mô, công nghệ và thị trường tiêu thụ. Trong đó tập trung giải quyết các điểm yếu về năng suất, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trung Thành