Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa lại biên giới là tin mừng đối với doanh nghiệp hai nước nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí thì vẫn sẽ gặp rất nhiều thách thức.
Do đó, các doanh nghiệp cần thực hiện theo đúng các yêu cầu kỹ thuật; kết hợp với các đơn vị nông nghiệp địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu; phối hợp các đơn vị thực hiện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng yêu cầu từ thị trường Trung Quốc.
Về thực hiện liên kết, các doanh nghiệp chủ động liên hệ các đơn vị như ban quản lý cửa khẩu để nắm bắt thông tin về tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, bảo đảm chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo thực hiện triển khai Lệnh 248 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.492 mã sản phẩm cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản làm thực phẩm của Việt Nam; cấp hơn 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; đồng thời triển khai xây dựng vùng nguyên liệu bảo đảm đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số một của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 24%.
Hàng xuất chủ yếu là nông sản tươi như: thanh long, chuối, dưa hấu, chôm chôm, mít… Trong tháng 1/2023 đã có gần 600 xe thanh long được đưa lên Lào Cai để xuất khẩu sang Trung Quốc. Còn tại Lạng Sơn hiện nay, bình quân mỗi ngày cũng có hơn 800 xe nông sản được thông quan./.
Minh Trúc