
ảnh: trà lúa đẻ nhánh huyện Long Hồ
Diện tích nhiễm trong tuần 2.807ha, tăng 331 ha so với tuần trước do tình hình thời tiết nắng nóng, kết hợp những cơn mưa đầu mùa đồng thời giai đoạn lúa thích hợp cho sâu bệnh phát triển gia tăng nhẹ. Tình hình dịch hại diễn biến như:
- Bệnh Đạo ôn: diện tích nhiễm bệnh 935 ha, tăng 112 ha so với tuần trước với tỷ lệ phổ biến 5-10%, gây nhiễm trên trà lúa đẻ nhánh đến trổ. Phân bố rải rác các xã của huyện trên địa bàn tỉnh.
- Vàng lá chín sớm: diện tích nhiễm là 348 ha, tăng 99 ha so với tuần trước, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, gây nhiễm trà lúa đòng trổ. Phân bố tại huyện Long Hồ; Bình Minh; Trà Ôn.
- Bệnh đốm vằn: diện tích nhiễm bệnh 207 ha, tăng 5 ha so với tuần trước với tỷ lệ phổ biến 5-10%, gây nhiễm trên trà lúa đẻ nhánh đến đòng trổ. Phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ, Mang Thít, Trà Ôn, Tam Bình và Vũng Liêm.
- Sâu cuốn lá: diện tích nhiễm bệnh 514 ha, tăng 233 ha so với tuần trước với mật số phổ biến 10-20 con/m2, gây hại trên trà lúa đẻ nhánh đến trổ. Phân bố rải rác các xã của huyện Mang Thít, Bình Minh, Bình Tân, Tam Bình và Vũng Liêm.
Ngoài ra, các đối tượng khác như: Rầy phấn trắng, sâu keo, OBV, chuột, bệnh cháy bìa lá, lem lép hạt, lúa cỏ,...chỉ xuất hiện và gây hại nhẹ.
* Dự báo sinh vật gây hại trong thời gian tới (từ ngày 19/5/2023-26/5/2023)
- Bệnh cháy bìa lá, vàng lá chín sớm: do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng mưa xen kẻ bệnh sẽ tiếp tục phát triển, tỷ lệ nhiễm nhẹ trên các trà lúa từ đẻ nhánh đến đòng trổ, đặc biệt là những ruộng bón thừa phân đạm, không chủ động rút được nước.
- Bệnh đạo ôn, đốm vằn: Diện tích và tỷ lệ nhiễm nhẹ có thể tăng do điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ và giai đoạn lúa thích hợp cho bệnh phát sinh phát triển, đặc biệt lưu ý trên những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và ruộng canh tác giống nhiễm như: Đài thơm 8, OM 18, ML 202, IR 50404, OM 4900,… có thể nhiễm trung bình.
- Nhện gié: dự báo thời gian tới diện tích và mức nhiễm sẽ tăng do thời tiết nắng nóng xen kẻ mưa nên ẩm độ tăng, đồng thời giai đoạn sinh trưởng của lúa rất thích hợp cho nhện phát sinh, phát triển mạnh.
- Sâu cuốn lá: Có khả năng xuất hiện rãi rác và gây hại ở mức độ nhẹ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ. Chú ý những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, phun thuốc trừ sâu sớm đầu vụ có khả năng bị hại ở mức trung bình.
Ngoài ra cần chú ý bọ trĩ ở giai đoạn lúa mới gieo sạ, muỗi hành, rầy phấn trắng ở giai đoạn đẻ nhánh,… ở giai đoạn đòng trổ.
* Một số biện pháp quản lý-canh tác trên cây lúa.
- Điều kiện thời tiết giao mùa kết hợp cùng giai đoạn lúa thích hợp cho sâu bệnh phát sinh và gây hại, vì vậy cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đặc biệt đối với bệnh hại khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh bà con ngưng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá. Phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trước khi lúa trổ và sau khi lúa đã trổ đều. Tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh.
- Theo dõi kiểm tra thường xuyên mật số rầy ngoài đồng, chỉ can thiệp thuốc đặc trị khi rầy cám nở rộ tuổi 2-3 và mật số trên 3.000 con/m2 . Hiện tại ngoài đồng chủ yếu rầy nâu tuổi 3,4, nhiễm phổ biến với mật số 500-800 con/m2. Trà lúa trổ-chín về sau không nên phun thuốc trừ rầy có hoạt chất Acetamiprid, Triflumezopyrim do những loại thuốc chứa hoạt chất này lưu tồn rất lâu trong hạt lúa, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
- Để phòng trừ hiệu quả sâu cuốn lá nông dân cần tích cực kiểm tra, theo dõi sự phát triển của sâu. Hạn chế phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40 ngày để bảo tồn thiên địch vì giai đoạn này khi sâu gây hại ở mật độ thấp, sự thiệt hại không đáng kể do cây lúa có khả năng tự bù đắp. Trong giai đoạn lúa đẻ nhánh chỉ nên phun thuốc khi mật độ sâu xuất hiện khoảng 30-40 con/m2. Trong giai đoạn đòng-trổ mật độ khoảng 15-20 con/m2 phải tiến hành phun đúng thuốc. Quan sát đồng ruộng khi thấy xuất hiện sâu tuổi 1-3 thì tiến hành phun thuốc hiệu quả sẽ cao hơn.
- Để quản lý hiệu quả bệnh đốm vằn khuyến cáo nông dân cần áp dụng biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ: tránh sạ dày, bón phân cân đối giữa đạm-lân-kali, tránh bón phân đạm muộn, chú ý nơi lúa mọc quá dầy, cần vạch lúa và quan sát nơi gốc xem có bệnh hay không. Nếu có, phải lập tức ngưng bón đạm, ngưng phun phân bón lá, rút cho ruộng khô nước và phun ngay bằng các loại thuốc đặc trị kịp thời vào lúc trời mát.
Lê Thị Chính
Chi cục Trồng trọt & BVTV